Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người phụ nữ tiên phong làm du lịch ở buôn Tơng Jú

Hoàng Thùy - 08:48, 16/12/2022

Không chỉ phục hồi nghề dệt thổ cẩm, giúp nhiều phụ nữ trong buôn có thêm thu nhập từ nghề dệt, từng bước thoát nghèo, bà H’Yam Bkrông (SN 1965), còn là người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, góp phần thay đổi phương thức làm kinh tế cho phụ nữ ở địa phương.

Bà H’Yam Bkrông khôi phục nghề dệt thổ cẩm, giúp phụ nữ Ê Đê trong buôn có thêm thu nhập
Bà H’Yam Bkrông khôi phục nghề dệt thổ cẩm, giúp phụ nữ Ê Đê trong buôn có thêm thu nhập

 Giúp dân có thêm thu nhập

Nhiều năm làm công tác phụ nữ buôn, chịu trách nhiệm việc đi thuê mượn trang phục truyền thống mỗi khi trong buôn có lễ hội, nhưng do ngày càng ít phụ nữ trong buôn dệt vải như xưa nên trang phục truyền thống mới rất ít nhà có. Bà H’Yam chia sẻ: Đồng bào dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình. Một trong những công việc chính của người phụ nữ, là dệt thổ cẩm để lo cái mặc cho toàn bộ các thành viên trong gia đình. Nhưng nghề dệt thổ cẩm ngày càng bị mai một, sản phẩm nghệ nhân làm ra không bán được, mà người trẻ lại không mặn mà.

Trăn trở với nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang bị lãng quên, trong khi nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bà H’Yam Bkrông đã quyết tâm khôi phục nghề dệt với mục tiêu, vừa để con cháu sau này biết về văn hóa của đồng bào mình, vừa giúp phụ nữ có thêm thu nhập.

Theo đó, bà H’Yam đến các buôn trong xã, vận động những phụ nữ có tay nghề tham gia hỗ trợ. Năm 2003, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông ra đời, với 10 thành viên, trong đó có 3 xã viên góp vốn. Được nghệ nhân trong vùng tích cực truyền nghề, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ vốn mua nguyên liệu, khung dệt…

 "Mình đi buôn trên buôn dưới vận động, cuối cùng cũng có một số chị em đồng hành tham gia hợp tác xã cùng mình. Vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm, hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông dần phát triển", bà H’Yam Bkrông kể lại.

Người khôi phục văn hóa, tiên phong làm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú 1
Buôn Tơng Jú được đầu tư làm đường bích họa tạo điểm nhấn phát triển du lịch cộng đồng

Trải qua bao gian nan, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông từng bước đứng lên, khẳng định được vị thế của mình. Sản phẩm của HTX Tơng Bông ngày càng phong phú và có quy trình sản xuất khép kín từ khâu dệt, may, thêu hoàn thiện sản phẩm. Với mẫu mã đa dạng như y phục nam nữ, túi xách, cà-vạt, khăn trải bàn, túi đựng hạt thơm, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em… sản phẩm của HTX được nhiều người trong và ngoài tỉnh sử dụng. 

Đến nay, HTX đã có 45 thành viên tất cả đều là người Ê Đê trong xã. Các xã viên vẫn làm nông nghiệp, tranh thủ thời gian nhàn rỗi dệt tại nhà, với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. HTX còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho khoảng 100 phụ nữ trong khu vực có thu nhập thêm. HTX ngày càng phát triển, sản phẩm có chỗ đứng, đầu ra ổn định tại thị trường và có mặt ở nhiều địa phương từ Bắc đến Nam. 

“Tự hào nhất là sản phẩm của HTX được lựa chọn là 1 trong 36 sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Không chỉ giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà HTX còn giúp các xã viên có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi tham gia HTX đa phần xã viên là hộ nghèo, thì nay số xã viên thuộc hộ nghèo chỉ còn 1-2 hộ”, bà H’Yam tự hào nói.

Tiên phong phát triển du lịch cộng đồng

Không chỉ là điểm sáng nổi tiếng trong công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yam còn tiên phong, phát triển du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú. Homestay Hnoh Ea Kao do bà làm chủ, hội tụ rất nhiều tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê như tạc tượng, nấu rượu cần, ẩm thực chợ truyền thống, phục dựng các nghi lễ truyền thống của người Ê Đê…

Bên trong homsstay Hnoh Ea Kao trưng bày nhiều tượng gỗ dân gian
Bên trong homestay Hnoh Ea Kao trưng bày nhiều tượng gỗ dân gian

Buôn Tơng Jú cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn chục cây số, giao thông thuận lợi. Toàn buôn hiện có 480 hộ, chủ yếu đồng bào Ê Đê. Mới đây, buôn Tơng Jú được UBND tỉnh Đắk Lắk chọn, là một trong hai buôn điểm phát triển du lịch cộng đồng kiểu mẫu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Bà H’Yam làm Trưởng ban quản lý điểm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú. Bà H’Yam đúng ra kêu gọi bà con thực hiện nếp sống văn minh, hướng bà con đến sự chuyên nghiệp để phục vụ du khách.

Homestay Hnoh Ea Kao không những là điểm nhấn văn hóa ấn tượng, mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều người dân trong buôn, lan tỏa niềm tự hào văn hóa dân tộc của cộng đồng. Khách du lịch đến đây vừa được thực hành dệt thổ cẩm, được tham quan trải nghiệm đời sống, xem nghệ nhân tạc tượng và được thưởng thức món ăn truyền thống, rượu cần của người Ê Đê do chính các xã viên tự làm. Vào những lúc cao điểm, mỗi tháng Hnoh Ea Kao đón khoảng 100 đoàn khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm, trải nghiệm.

Người khôi phục văn hóa, tiên phong làm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú 3
Homestay Hnoh Ea Kao thường xuyên tổ chức phục dựng các nghi lễ truyền thống của người Ê Đê

Vận động bà con giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế, 2 năm qua buôn Tơng Jú đã có thêm 4 ngôi nhà dài nâng tổng số lên 15 nhà truyền thống. 13 hộ gia đình trong buôn tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Buôn Tơng Jú đang ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của người dân khá hơn, một phần nhờ đóng góp của bà H’Yma Bkrông.

Với những đóng góp của mình, nhiều năm qua bà H’Yam Bkrông và HTX Tơng Bông nhận được nhiều khen thưởng từ Trung ương đến địa phương. Năm 2013, HTX Tơng Bông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2002-2012”.

 HTX Tơng Bông cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019. Bà H’Yam Bkrông là một trong số ít người có nhiều lần là đại biểu được tham dự các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội…