Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Y Ser Bkrông với nghệ thuật tạc tượng gỗ Tây Nguyên

Lê Hường - 10:14, 15/08/2022

Y Ser Bkrông hiện là nghệ nhân nổi tiếng trong vùng với nghệ thuật tạc tượng gỗ. Trong mỗi bức tượng gỗ do anh chế tác hàm chứa nét đẹp văn hóa, tập quán sinh hoạt, lao động , tâm tư, tình cảm cùng nhiều ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của đồng bào Ê Đê .

Nghệ nhân Y Ser chia sẻ ký ức sáng tạo bộ tượng đội chiêng Knăh của dân tộc Ê Đê
Nghệ nhân Y Ser chia sẻ ký ức sáng tạo bộ tượng đội chiêng Knăh của dân tộc Ê Đê

Giữ hồn tượng gỗ

Homestay Hnoh Ea Kao của gia đình nghệ nhân Y Ser Bkrông (SN 1985), nằm giữa những bức tường tranh bích họa tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Bên trong, trưng bày hàng chục bức tượng gỗ dân gian do chính tay nghệ nhân đục đẽo.

Anh Y Ser Bkrông là một trong số ít người trẻ gìn giữ và sống được với nghề tạc tượng dân gian. Từ khi còn nhỏ Y Ser đã quan sát ông ngoại làm cối, chày và tượng bằng những khúc gỗ nên anh rất thích. Mỗi khi lên rẫy thấy cây gỗ, trong đầu anh lại tưởng tượng ra những con vật, hình người nên anh mang về nhà rồi dùng dao, xà gạc chặt, đẽo nhưng đôi bàn tay chưa tạo thành hình thù giống như trong suy nghĩ của mình.

Anh âm thầm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tạc tượng qua các nghệ nhân có tiếng, rồi tự sắm cho mình bộ đồ nghề đơn sơ, tạc ra những bức tượng đơn giản. Hơn 10 năm học hỏi, tìm hiểu và tạc tượng Y Ser không chỉ giỏi nghề mà còn am hiểu sâu về tượng nhà mồ, tượng gỗ dân gian.

Anh Y Ser kể: Bức tượng đầu tiên anh hoàn thành là con voi Tây Nguyên, vì đó là con vật gắn liền với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, và  tượng voi cũng dễ tạc, chi tiết đơn giản. Sau con voi, anh tiếp tục tạc những con thú, chim, con người… với bản sắc văn hóa riêng của vùng đất Tây Nguyên. Mỗi khi hình dung ra một tác phẩm, anh lại lên rẫy đi tìm gốc cây, đoạn gỗ ưng ý, đúng thế tượng mang về để thỏa mãn sáng tạo của mình.

Khi đã thành thạo nghề, Y Ser mạnh dạn tham gia các cuộc thi tạc tượng dân gian để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức cho bản thân. Tác phẩm “Đôi chân trần” của anh đã đạt giải nhì Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên năm 2015. Năm đó, Y Ser là một trong số ít thí sinh trẻ tuổi tham gia và đạt giải khi tuổi đời còn rất trẻ.

““Đôi chân trần” khắc họa hình tượng người đàn ông Ê Đê gầy gò, cầm chiếc xà gạc và đi chân đất. Người đàn ông đó không màng đến bản thân, lam lũ làm việc để lo cho gia đình, con cái”, Y Ser trải lòng. 

Bộ tượng đội chiêng Knăh gồm 7 người đánh chiêng, 1 người đánh trống của nghệ nhân Y Ser
Bộ tượng đội chiêng Knăh gồm 7 người đánh chiêng, 1 người đánh trống của nghệ nhân Y Ser

 Đến năm 2017, anh Y Ser tiếp tục tham gia cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột và được giải khuyến khích với tác phẩm “Tâm tư già làng”...; Rồi hàng loạt các tác phẩm khác như, tượng người vợ địu con, người chồng vác xà gạc cùng nhau đi lên rẫy hay người cha ôm mặt trời soi đường cho người con đi… do anh tạc ra luôn tạo được sự tò mò, thích thú cho nhiều du khách. Bởi mỗi bức tượng, anh Y Ser đều gửi gắm vào trong đó những ý nghĩa nhân văn, những tập quán sinh hoạt, lao động, nét đẹp văn hóa của người Ê Đê.

Kể về cảm xúc tạc tác phẩm tượng gỗ về đội chiêng Knăh, Y Ser giải bày, là thành viên trong đội chiêng của buôn Tơng Jú, anh hiểu được rằng, cồng chiêng gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa, tâm linh và là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Ê Đê. Hình ảnh đội chiêng diễn tấu trong sinh hoạt cộng đồng, nghi lễ truyền thống in hằn trong tâm trí anh, và anh đã  nuôi ý tưởng làm bộ tượng gỗ đội nghệ nhân đánh cồng chiêng. 

"Tôi sưu tầm gốc cây, khúc gỗ về tạc, bộ tượng gỗ “Đội chiêng Knăl” hoàn thành gồm 7 người đánh chiêng và 1 người đánh trống, khắc họa không gian văn hóa cồng chiêng của người Ê Đê", anh Y Ser cho biết.

Những bức tượng gỗ dân gian đang nghệ nhân Y Ser làm để trang trí cầu thang nhà dài
Những bức tượng gỗ dân gian được nghệ nhân Y Ser làm để trang trí cầu thang nhà dài

Cháy hết mình ngọn lửa đam mê

Anh Y Ser cho biết: Khi tượng nhà mồ mai một, thay vào đó các nhóm tượng dân gian để trang trí trong các khu du lịch, quán cà phê ngày càng được sử dụng nhiều, không ít người dân còn dùng tượng gỗ để bày trí nhà cửa. Đây cũng chính là cơ hội để các nghệ nhân tạc tượng được thỏa sức sáng tạo, thồi hồn vào những khúc gỗ và sống được với nghề.

Hiện nay, anh Y Ser là một trong số ít nghệ nhân được nhiều khu du lịch, khu sinh thái trên địa bàn tỉnh mời đến tạc tượng trang trí. Nghề tạc tượng không chỉ giúp anh thỏa mãn niềm đam mê, góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống, giúp gia đình có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, và còn góp phần quan trọng trong việc phát du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

“Nhiều du khách đến các điểm du lịch cộng đồng rất thích thú và muốn tìm hiểu về ý nghĩa của tượng dân gian, qua đó hiểu được văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Thậm chí, nhiều người còn đặt nghệ nhân tạc tượng để mang về trang trí, trưng bày trong nhà”, anh Y Ser chia sẻ thêm.

Bức tượng già làng hút thuốc và em bé của nghệ nhân Y Ser đang được trưng bày tại khuôn viên Homestay Hnoh Ea Kao
Bức tượng già làng hút thuốc và em bé của nghệ nhân Y Ser đang được trưng bày tại khuôn viên Homestay Hnoh Ea Kao

Mong muốn lan tỏa sâu rộng tình yêu văn hóa dân tộc trong giới trẻ, đặc biệt lưu giữ nghề tạc tượng gỗ, anh Y Ser âm thầm chỉ dạy cho nhiều bạn trẻ trong gia đình, dòng tộc, buôn làng những kỹ thuật cơ bản về tạc tượng. Chỉ cần có người đam mê muốn học tạc tượng, anh Y Ser đều chỉ dạy tận tình.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn có 606 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Hiện toàn tỉnh có tổng cộng 11.835 nghệ nhân các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 312 nghệ nhân biết tạc tượng.

Không chỉ là nghệ nhân tạc tượng giỏi, anh Y Ser còn thông thạo cách nấu rượu cần và chế biến các món ăn truyền thống. Ngôi nhà gia đình anh đang sinh sống đang dần trở thành điểm đến lý thú cho du khách. Ở đó, không chỉ có nhà sàn, tượng gỗ dân gian mà còn có cả văn hóa ẩm thực truyền thống và nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê. Những việc làm của anh đang góp phần vào việc lưu giữ, phát huy truyền thống dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Việc khôi phục lại nghệ thuật tạc tượng gỗ, góp phần làm sinh động thêm đời sống, nét đẹp văn hóa của người Ê Đê, đồng thời, phù hợp với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Tuy nhiên, những nghệ nhân tạc được tượng gỗ là những nghệ nhân rất đặc biệt, vì không phải ai cũng tạc được tượng gỗ. Hiện nay, để khôi phục và phát triển nghệ thuật tạc tượng gỗ là rất khó thực hiện, bởi nguồn gỗ hầu như không còn. Do đó, chỉ thông qua những ngày hội văn hóa và hoạt động cụ thể để phục dựng lại nghệ thuật tạc tượng, nhằm bảo tồn và giúp cho du khách, quần chúng Nhân dân biết thêm về nghệ thuật này.