Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người dân Trung Quốc được hưởng lợi gì từ công cuộc hồi sinh nông thôn

Duy Ly (theo Xinhua) - 11:30, 15/09/2022

Trong gần một thập kỷ qua, tỉnh Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc) đang nỗ lực tìm cách tích hợp văn hóa truyền thống vào quá trình hồi sinh nông thôn. Những nỗ lực này đã giúp cải thiện rất nhiều về chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn những năm qua.

Tượng Hổ điêu khắc được trưng bày tại hội chợ thương mại Tế Ninh (Sơn Đông, Trung Quốc)
Tượng hổ điêu khắc được trưng bày tại Hội chợ thương mại Tế Ninh (Sơn Đông, Trung Quốc)

Là quê hương của các vị triết gia vĩ đại là Khổng Tử và Mạnh Tử, Sơn Đông có nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, từ đó đúc kết nên những giá trị tư tưởng, đạo đức có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung.

Hồi sinh nghề thủ công truyền thống

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tìm cách hồi sinh nông thôn với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa chuyên biệt, trong đó thủ công mỹ nghệ là một phần của chiến lược.

Ngày nay, các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống như nghề dệt, đan lát và điêu khắc tồn tại trong cả văn hóa truyền thống lẫn cuộc sống hiện đại. Với những đổi mới và sự quan tâm kịp thời của chính quyền, nghề thủ công truyền thống hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho nền kinh tế nước này.

Niejiazhuang, ngôi làng ở thị trấn Jiangzhuang (Cao Mật, Trung Quốc) là cái nôi của nghệ thuật điêu khắc bằng đất sét. Nơi đây đào tạo ra rất nhiều những nghệ nhân giỏi, trong đó phải kể đến Nie Laichen là một học viên thế hệ thứ 23 của làng Niejiazhuang, người được biết đến với những tác phẩm về hổ được làm từ đất sét bán rất đắt hàng trên thị trường. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, anh đã bán được hơn 50.000 sản phẩm.

Thế nhưng chỉ vài năm trước, bức tranh này lại vô cùng khác biệt. Với một người tay nghề như Nie Laichen, số lượng bán ra chỉ xấp xỉ hai nghìn con trong vòng 1 năm. Các tác phẩm làm từ đất sét luôn yêu cầu sự tỉ mẩn, tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng thời điểm đó lợi nhuận thu về thấp nên nhiều người đã không thể theo được và phải bỏ nghề.

Trước thực trạng đó, để vực dậy ngành nghề này và giúp người dân địa phương có thể kiếm tiền từ các sản phẩm thủ công truyền thống, chính quyền địa phương đã làm việc để tìm cách cải thiện hậu cần, kỹ thuật cũng như phương thức quản lý, xúc tiến việc bán hàng cho người dân địa phương.

“Hiện nay, hơn 5.000 người dân ở thị trấn Jiangzhuang đã tham gia sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tạo ra hơn 400.000 tượng hổ mỗi năm. Tổng doanh thu mỗi năm đều vượt 10 triệu nhân dân tệ (1,48 triệu đô la Mỹ). Vậy là mùa xuân của những con hổ đã đến”, anh Nie nói.

Người cao tuổi tại Trung Quốc
Người cao tuổi tại Trung Quốc

Lớp học Nho giáo của người cao tuổi

Đa số người cao tuổi Trung Quốc sống tại các vùng nông thôn rộng lớn và việc chăm sóc tốt cho nhóm người này hiện là mối quan tâm lớn của xã hội. Trong quá trình hồi sinh nông thôn, văn hóa truyền thống Trung Quốc đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi.

Tại ngôi làng miền núi Xiaochengzi, với dân số 1.328 người ở thành phố Tế Ninh, những người cao tuổi địa phương luôn trông đợi đến các ngày thứ Bảy để được tham dự các lớp học về Nho giáo do ông Wang Chun (một quan chức đã nghỉ hưu) đứng lớp.

Ông Wang Chun không phải là người địa phương, ông tình nguyện lái xe chục cây số từ tỉnh về với ngôi làng nhỏ vào mỗi thứ Bảy hàng tuần. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Wang đã gắn bó với công việc này được 9 năm.

Tuy nhiên, có nhiều hoạt động thú vị hơn là xoay quanh những bài giảng đơn thuần. Ông Wang thường điều chỉnh các lớp học của mình sao cho phù hợp với người học. Ông thường kể những câu chuyện của Khổng Tử và tổ chức các bữa tiệc cho người cao tuổi để mọi người cùng giao lưu với nhau.

Kể từ khi chương trình “Lớp học Nho giáo nông thôn” được triển khai vào năm 2013, đã có hơn 3.700 giảng đường Nho giáo được xây dựng ở thành phố Tế Ninh.

Wang Zhongwu, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Sơn Đông cho biết: “Việc đẩy mạnh các mặt của văn hóa truyền thống Trung Quốc, trong đó có Nho giáo với khía cạnh đạo đức xã hội như sự hòa hợp giữa các thế hệ và lòng hiếu thảo trong gia đình sẽ góp phần nâng cao tính văn minh xã hội ở các vùng nông thôn, là động lực mạnh mẽ cho sự hồi sinh nông thôn”.

Làng truyền thống ở Tế Nam (Sơn Đông, Trung Quốc)
Làng truyền thống ở Tế Nam (Sơn Đông, Trung Quốc)

Nâng cao đời sống tinh thần

Khi đời sống vật chất được cải thiện, nhu cầu về tinh thần của người dân tự khắc được nâng lên. Từ các dịch vụ công cộng đến các chương trình văn hoá - nghệ thuật truyền thống giờ đây đã được quan tâm và cải thiện rất nhiều tại các vùng nông thôn Trung Quốc.

Tại tỉnh Sơn Đông, chính quyền địa phương đã tiến hành chiếu các vở kịch và các bộ phim truyền hình như một trong những chương trình thử nghiệm tại vùng nông thôn.

“Thật tuyệt vời khi chúng tôi có thể thưởng thức những vở kịch xuất sắc như vậy”, Zhang Ming – một nông dân tại huyện Jinxiang cho biết sau khi được thưởng thức một buổi trình diễn nghệ thuật tại địa phương.

Buổi biểu diễn kéo dài hai tiếng rưỡi và được phát sóng trực tiếp qua Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), thu hút một lượng lớn người xem cùng nhiều bình luận.

Đối với những người không thể đến xem các chương trình trực tiếp, đặc biệt là người cao tuổi, chính quyền địa phương đều ghi lại các buổi biểu diễn và người dân có thể xem lại trên kênh truyền hình cáp địa phương bất cứ khi nào họ muốn. Và điều đặc biệt là những người trên 65 tuổi ở đây đều được lắp truyền hình cáp miễn phí.