Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người dân Hướng Hóa hướng về Quốc hội

Hồng Minh - 09:42, 29/05/2020

Trong những ngày tháng 5 thiêng liêng nhớ về Ngày sinh nhật Bác, chúng tôi có chuyến công tác về với vùng đất có những người mang họ Bác Hồ - huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Càng đặc biệt hơn, chuyến đi lần này lại trùng thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, vì thế đây là dịp để được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như chứng kiến được sự quan tâm của người dân đến kỳ họp Quốc hội.

Một góc bản Ka Tăng - bản kiểu mẫu của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị)
Một góc bản Ka Tăng - bản kiểu mẫu của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị)

Những lá cờ Tổ quốc rực rỡ hai bên đường là hình ảnh đầu tiên thu vào mắt chúng tôi khi đặt chân tới xã biên giới A Dơi, huyện Hướng Hóa. Là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn (ĐBKK), với 80% đồng bào DTTS sinh sống. Tuy điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn nhưng hộ gia đình nào ở A Dơi cũng đều có một chiếc tivi hoặc đài để có thể cập nhật những thông tin về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Vì thế chẳng ngạc nhiên khi người dân ở A Dơi nắm rất rõ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, hay những thông tin về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.

Được cán bộ xã A Dơi dẫn vào thăm nhà già làng Hồ Văn Cơn, vừa đặt chân vào cửa, chúng tôi đã nghe thấy âm thanh của chương trình thời sự 12h trưa. “Ngày nào cũng theo dõi thời sự để cập nhật thông tin cho bà con trong thôn, nhiều người bận đi làm không có thời gian xem tivi nên mình xem rồi tuyên truyền lại họ mới nắm được. Tôi vui lắm vì biết được thông tin, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Vùng đồng bào DTTS sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển”, già làng Hồ Văn Cơn nói.

Già làng Hồ Văn Cơn năm nay đã 80 tuổi, cả cuộc đời của già đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của người Pa Cô, Bru - Vân Kiều ở A Dơi. Già Cơn bảo, từ năm 1977 cho đến giờ, Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc vay vốn để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cũng nhờ thế mà đời sống của bà con được thay đổi từng ngày. Điện, đường, trường, trạm… đã tốt hơn trước rất nhiều. Nhìn vào những kết quả đó, già Cơn hy vọng Chương trình MTQG được triển khai xuống cơ sở, bà con ở A Dơi sẽ được hỗ trợ thêm nhiều dự án về chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt là tập huấn cho người trẻ về kiến thức tăng gia sản xuất. “Mỗi gia đình phải vững mạnh thì thôn, xã mới mạnh được”, già Hồ Văn Cơn nhấn mạnh.

Cũng giống như già làng Hồ Văn Cơn, bà Lê Thị Hội, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân cũng không bỏ qua sự quan tâm của mình tới Kỳ họp Quốc hội lần này, cũng như thông tin về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Là lãnh đạo một xã ĐBKK, điều bà Hội trăn trở nhất là vấn đề đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, đặc biệt là thanh niên tại địa phương.

“Chương trình MTQG thực sự rất có ý nghĩa với đồng bào DTTS trên cả nước. Đây sẽ là một Chương trình cụ thể, rõ ràng trong việc thay đổi diện mạo vùng DTTS. Tôi mong rằng, Chương trình khi đi vào thực tiễn, đồng bào DTTS ở Hướng Hóa sẽ có thêm cơ hội để phát triển, thế hệ thanh niên sẽ có thêm kiến thức trong việc chọn nghề, cũng như làm nghề. Khi thế hệ thanh niên có việc làm, có thu nhập, đồng nghĩa với việc kinh tế của mỗi gia đình sẽ được cải thiện, khấm khá hơn”, bà Hội chia sẻ.

Với những kỳ vọng của già Hồ Văn Cơn, bà Lê Thị Hội và đông đảo cử tri trong cả nước, tin tưởng rằng, Quốc hội, Chính phủ sẽ đáp ứng mong mỏi của đồng bào DTTS. Và nhiều hơn những kỳ vọng đó, Chương trình MTQG sẽ là “cơ hội vàng” để vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên cùng sự phát triển của đất nước.