Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đáp ứng mong đợi của cử tri vùng đồng bào DTTS

Thanh Huyền - 10:19, 26/05/2020

Sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, những vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc đã được Chính phủ, Ủy ban Dân tộc (UBDT) quan tâm, triển khai quyết liệt. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV này sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đời sống văn hóa của đồng bào DTTS và miền núi ngày càng phát triển. (Trong ảnh: Phụ nữ DTTS gói bánh chưng trong Lễ hội Tết mùa ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: Tấn Sỹ
Đời sống văn hóa của đồng bào DTTS và miền núi ngày càng phát triển. (Trong ảnh: Phụ nữ DTTS gói bánh chưng trong Lễ hội Tết mùa ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: Tấn Sỹ

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cho thấy: Thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc trước và sau Kỳ họp thứ 8 của Đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận và tổng hợp được 2.102 kiến nghị của cử tri. Có 1.951 kiến nghị đối với Chính phủ, chiếm 92,82% tổng số kiến nghị. Trong đó, đã giải quyết, trả lời 1.915 kiến nghị, đạt 98,2%, còn 214 kiến nghị, chiếm 11,2% đang xem xét, giải quyết. 

Theo đánh giá của Ban Dân nguyện Quốc hội: Chính phủ, các bộ, ngành rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong việc xem xét một số lượng lớn các kiến nghị. Việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành ngày càng khoa học, chất lượng, trách nhiệm cao. 

Đối với lĩnh vực công tác dân tộc, với tinh thần, trách nhiệm cao, UBDT đã thực hiện tốt nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Triển khai thực hiện Nghị quyết Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, xây dựng Báo cáo chủ trương đầu tư để trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 5/2020 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Chương trình MTQG vào tháng 7/2020. 

Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp, lồng ghép các chương trình, chính sách đã và đang thực hiện tại vùng DTTS và miền núi; đề xuất, bổ sung một số nội dung mới nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn của vùng trên thực tế hiện nay. 

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc xem xét thông qua Chương trình này, nhằm đề ra các giải pháp, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS để đưa KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn. 

Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KT-XH, vừa bảo đảm đời sống của Nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được quan tâm; chúng ta cũng đã tập trung xây dựng Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH. Trong đó, “tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực. Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, nhất là các chính sách đặc thù đối với vùng khó khăn và đồng bào DTTS…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. 

Sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, UBDT đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; cùng với đó là quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và Nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững vùng này trong thời gian tới.