Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Tăng cường hiệu lực hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Thanh Huyền - 18:18, 27/05/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quốc hội tiếnhành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâmhại trẻ em tại phiên họp toàn thể ngày 27/5.
Quốc hội tiếnhành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâmhại trẻ em tại phiên họp toàn thể ngày 27/5.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm như: Có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (7,7% đã thôi học và 0,6% chưa bao giờ đi học). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều: 1.773.112 trẻ, chiếm 7,16% tổng số trẻ em; số lượng trẻ em có cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật còn lớn...

Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn có 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn...

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày đã chỉ rõ những hạn chế: Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên có sự thay đổi, một bộ phận hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cấp xã. Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu….

Đại biểu Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đại biểu Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.


Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị với Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Với Chính phủ, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em. Ngay trong năm 2020, Đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ cần ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản gồm: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng;..

Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách kịp thời chăm sóc cả về tinh thần và thể chất cho trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường hiệu lực hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý. Mặt khác công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng…Do đó cần thiết quy định trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội nội dung yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thành chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em trong năm 2020. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em....

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cảnh báo tình trạng nhức nhối khi trẻ em bị xâm hại tình dục, không chỉ xuất hiện ở nông thôn, vùng sâu xa, khó khăn mà còn ở nơi kinh tế - xã hội phát triển, để lại hậu quả nặng nề đối với người bị hại, gia đình và xã hội. Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em…