Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghịch lý ở những dự án ổn định di cư tự phát: Hoang tàn và dang dở...( Bài 2 )

Lê Hường - 15:05, 11/09/2020

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chính sách về bố trí, ổn định dân cư. Tuy nhiên, ở các điểm định cư vẫn còn quá nhiều bất cập, bố trí dân cư chưa phù hợp, nhiều hộ đã có chỗ ở ổn định thì lại thiếu đất sản xuất, nơi ở quá chật chội, nơi ở cách xa nơi sản xuất... Đây là những bất cập lớn cần phải được khắc phục.

Khu ổn định dân cư Ea Đăh chỉ có trẻ em và người già ở.
Khu ổn định dân cư Ea Đăh chỉ có trẻ em và người già ở.


Hoang tàn làng định cư

Năm 2004, từ nguồn vốn Chương trình 134 và 167 của Chính phủ, UBND tỉnh Đăk Lăk và huyện Krông Năng đã đầu tư xây dựng khu tái định cư (TĐC) thôn Giang Đông ngay cạnh trung tâm xã Ea Đăh (huyện Krông Năng) để đưa 75 hộ đồng bào Mông từ rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện đến định cư, ổn định cuộc sống. Khu TĐC được đầu tư đầy đủ các nhu cầu cần thiết như nhà ở, điện, công trình cấp nước, nhà sinh hoạt văn hóa.

Về TĐC, mỗi hộ dân được cấp 1 căn nhà cấp 4 rộng 24m2 và 5 sào đất để sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ kinh phí chuyển nhà nên ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, các hộ dân dần quay về nơi ở cũ. Sau nhiều năm, khu TĐC thôn Giang Đông nay hoang tàn vắng vẻ, những căn nhà nhỏ chật chội, xuống cấp, cửa đóng then cài. Nơi đây chỉ có vài cụ già ở trông cháu và trẻ con ở để đi học cho gần.

Trong căn nhà 24m2, bà Lầu Thị Dí miệt mài thêu hoa văn để may váy truyền thống. Bà Dí kể: Nhà nước cho nhà, có điện, gần trung tâm nhưng rẫy nương ở xa nên mọi người kéo nhau về làng cũ hết. Tôi ở đây để nấu ăn, trông nom 5 đứa cháu nội đi học. “Ở đây chỉ có người già và trẻ nhỏ thôi. Đường đi lại khó khăn quá, nên bọn trẻ phải xa bố mẹ, ra đây ở đi học cho gần trường”, bà Dí nói.

Cũng được Nhà nước cấp nhà, vợ chồng chị Vàng Thị Mái và 3 đứa con vui vẻ dọn đến, nhưng chủ yếu các con ở đi học chứ vợ chồng chị phải vào làng cũ để mưu sinh, lâu lâu mới nghỉ ra với con. Chị Mái kể: Nhà có mấy sào đất chỉ trồng được mì, bắp, đậu, mỗi năm thu vài chục triệu đồng không đủ trang trải, nhiều người rời làng đi làm thuê. Cho nên ở đây, nhà nào cũng chỉ có bọn nhỏ tự ở với nhau thôi, đứa lớn nấu ăn cho đứa nhỏ. Giờ nhiều căn nhà xuống cấp nên dồn mấy đứa một nhà cho tiện sinh hoạt.

Nhiều dự án dở dang

Được biết, khu TĐC thôn Giang Đông được triển khai theo Chương trình 134, 167 nhằm ổn định đời sống của người Mông. Tuy nhiên, do không phù hợp điều kiện thực tế của bà con: Diện tích nhà ở nhỏ, trong khi các hộ gia đình đều đông con, đất ít và rất xấu không thể canh tác được nên người dân trở lại thôn cũ. Đến nay, dự án nhà ở TĐC này gần như phá sản.

Trong khi khu TĐC thôn Giang Đông gần như bỏ hoang thì trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk lại đang có nhiều dự án TĐC khác đang dở dang, chưa hoàn thiện do thiếu vốn. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên.

Theo số liệu tại Hội thảo chuyên đề Giải pháp giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS du canh du cư diễn ra ngày 18/6/2020 tại Đăk Nông, đến năm 2018, các tỉnh Tây Nguyên được phê duyệt 42 dự án TĐC, nhưng mới chỉ có 13 dự án hoàn thành, còn 29 dự án chưa hoàn thành nhưng vẫn phải bố trí dân vào ở. Riêng tại Đăk Nông, từ năm 2005 đến nay đã lập và triển khai thực hiện 14 dự án, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 8 dự án đang thực hiện dang dở bố trí sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát.

Tại Hội thảo chuyên đề này, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, tình trạng chậm hoàn thành, quá tải, vỡ quy hoạch dẫn đến các dự án không hiệu quả, công trình hạ tầng nhanh chóng xuống cấp hoặc không phát huy được công năng. Đời sống của người dân các điểm ổn định dân cư còn nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm hoàn thành là do nguồn lực thực hiện hạn chế, ngân sách Trung ương thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự phát mới đáp ứng được 40% so với nhu cầu dẫn đến nhiều dự án dở dang, kéo dài, gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư. Đây là một trong những bất cập rất lớn cần phải khắc phục trong thời gian tới khi phê duyệt, thực hiện các dự án TĐC.