Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Con đường nào cho phụ nữ di cư hồi hương?

Hồng Phúc - 20:29, 21/04/2020

Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong số đó, có không ít nạn nhân là người DTTS bị dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài để lao động hoặc kết hôn do thiếu hiểu biết. Khi về nước, do cuộc hôn nhân không như ý, những người phụ nữ này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tái hoà nhập cộng đồng.

Con đường nào cho phụ nữ di cư hồi hương?

Tình trạng mua bán người ở Việt Nam thường xảy ra tại các địa phương có vùng biên giới tiếp giáp Trung Quốc, Campuchia như: Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam, Lai Châu, Cao Bằng, An Giang… Nhiều chị em ở nông thôn, vùng DTTS do hiểu biết hạn chế đã bị dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao, nhưng sau đó lại bị thu giữ giấy tờ tùy thân và bị gả bán cho công dân Trung Quốc.

Nhiều trường hợp phụ nữ bị cưỡng bức vào các động mại dâm, bị bóc lột tình dục, bị bắt ép làm vợ. Một số khác sang Trung Quốc làm thuê trái phép và thường bị quỵt lương, dù lao động khổ cực…

Khi cuộc hôn nhân không như ý, hoặc có cơ hội về nước, nhóm phụ nữ này lại phải đối mặt với vô vàn những khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng như: Thiếu cơ hội việc làm, sinh kế khó khăn do gặp phải những định kiến và kỳ thị của xã hội. Đặc biệt, khi thiếu sự tư vấn về pháp lý, tâm lý để họ có thể giải quyết vấn đề của mình và con cái của họ, từ đó có thể đẩy họ trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời, hợp lý.

Đặc biệt, phụ nữ di cư hồi hương gặp phải một vấn đề nghiêm trọng là sự hạn chế trong việc hỗ trợ pháp lý để hợp pháp hóa ly hôn và tư cách pháp lý cho những người con được sinh ra ở nước ngoài của họ. Họ thiếu một “cánh tay” hỗ trợ về pháp lý cho những vấn đề mà họ gặp phải.

Đây cũng là nội dung được nhắc đến tại Lễ khởi động Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam” diễn ra hồi đầu tháng 3/2020, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp thực hiện.

Theo đó, việc xây dựng điểm Văn phòng dịch vụ hỗ trợ “một điểm đến” tại 5 tỉnh thành trên cả nước trong 2 năm (2020 - 2021) ở khuôn khổ dự án này là hoạt động thiết thực để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tái hòa nhập bền vững về mặt kinh tế - xã hội.

Để giải quyết các khó khăn cho nhóm phụ nữ này, các chuyên gia cho rằng, nạn nhân cần được hỗ trợ về y tế, tư pháp, tâm lý và giải quyết việc làm, an sinh xã hội khi hồi hương, bị mua bán trở về. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo cho cán bộ tư pháp về trình độ, hiểu biết về các quy định mới trong các bộ luật liên quan đến công tác phòng chống mua bán người; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, cần thực hiện đồng thời giữa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân với hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người; chia sẻ những tình huống cụ thể diễn ra tại các địa phương. Các hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cần được xã hội hóa, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân mới trở về. Đây mới là yếu tố có ý nghĩa then chốt của vấn đề; là các cách tiếp cận đa dạng để truyền thông thay đổi hành vi và giáo dục nâng cao nhận thức, hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ di cư hồi hương.