Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ thuật thêu hoa văn độc đáo của người Mông đen trên đường trở thành di sản quốc gia

Trương Vui - 08:28, 15/11/2023

Không đẹp rực rỡ sắc màu như trang phục của nhiều nhóm Mông khác ở vùng Tây Bắc, trang phục của người Mông đen ở Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai) mang một vẻ đẹp độc đáo, tinh tế nhờ cách tạo hoa văn trên chất liệu vải lanh. Chính từ sự khéo léo, sáng tạo của mỗi nghệ nhân trong việc tạo hoa văn trên trang phục, mà nghệ thuật thêu độc đáo này đã được ngành Văn hóa của tỉnh Lào Cai đưa vào danh mục, lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ thuật thêu trang phục tỉ mỉ đã khiến cho những bộ trang phục của người Mông đen ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai mang một vẻ đẹp độc đáo và đầy tinh tế (Ảnh: Craft Link)
Nghệ thuật thêu trang phục tỉ mỉ đã khiến cho những bộ trang phục của người Mông đen ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai mang một vẻ đẹp độc đáo và đầy tinh tế (Ảnh: Craft Link)

Trang phục của người Mông đen ở Sa Pa được làm từ vải lanh tự trồng, tự nhuộm chàm theo lối truyền thống, được mài với sáp ong cho mềm và bóng. Để tiện cho sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ nơi đây không mặc váy, thay vào đó là chiếc quần lửng ngang đầu gối và quấn xà cạp quanh 2 ống chân.

Đối với bộ trang phục nữ Mông đen nhìn thoáng qua khá giản dị, với màu chàm là chủ đạo. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Thào Thị Sung (sinh năm 1982), để có được những bộ trang phục như ý, các chị phải tự trồng lanh, nhuộm chàm; đặc biệt là công đoạn thêu hoa văn rất tỉ mỉ, chính bởi thế, để hoàn thiện một bộ trang phục thậm chí phải mất đến hàng năm trời.

Người Mông đen không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên trang phục. Hoa văn đặc trưng của họ thường xoay quanh hình ảnh con vật, cây cỏ, hoa lá, công cụ lao động… Tuy nhiên, các hoa văn, họa tiết này có sự phối hợp, đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật thêu trang phục của họ trở nên độc đáo.

Một trong những chi tiết tạo nên sự độc đáo đó, chính là những họa tiết, hoa văn thêu cầu kỳ tại phần cổ áo, được tạo nên bởi nhiều kỹ thuật thêu kết hợp. Đây được cho là bộ phận rất quan trọng, cũng là phần thể hiện rõ nét nhất kỹ thuật thêu trang phục riêng biệt của người Mông đen.

Nghệ nhân Thào Thị Sung giới thiệu về kỹ thuật thêu độc đáo trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc
Nghệ nhân Thào Thị Sung giới thiệu về kỹ thuật thêu độc đáo trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc

Theo nghệ nhân Thào Thị Sung, quy trình thêu một miếng hoa văn làm cổ áo gồm khá nhiều bước. Trước tiên là việc lựa chọn miếng vải lanh đẹp đã nhuộm chàm đủ độ đậm cần thiết, chuẩn bị các miếng vải bông dùng khâu ghép, khâu viền (thường là vải đỏ, trắng, đen), sau đó chọn chỉ tơ tằm các màu (chủ yếu là các tông màu xanh lá cây) và chỉ cotton màu đen, trắng.

Trên nền vải chàm, người phụ nữ Mông đen sẽ dùng chỉ tơ tằm màu xanh lá cây hoặc vàng, để thêu các đường thẳng chia ô to, nhỏ trên mặt vải.

Tiếp theo họ sẽ dùng vải bông mỏng khâu ghép vào các ô trống đã được phân chia. Người thợ có thể ghép từ 1 đến 2 lớp vải chồng lên nhau, phổ biến, nhất là lớp vải màu trắng rồi đến lớp vải đỏ, để lộ ra một phần viền vải trắng.

Kỹ thuật thêu tỉ mỉ được thể hiện qua chính các họa tiết hoa văn được tạo ra trên trang phục truyền thống của người Mông ở Tả Phìn

Trên nền vải bông đã khâu ghép ở các ô lớn là phần hoa văn chính. Các đường lõi của hoa văn sẽ được thêu các mũi móc xích bằng chỉ cotton màu đen. Các hoa văn này chủ yếu có dạng xoắn ốc rất đa dạng và được uốn vào các khuôn có dạng góc vuông.

Trên nền vải chàm, người phụ nữ Mông đen sẽ dùng chỉ tơ tằm màu xanh lá cây hoặc vàng, để thêu các đường thẳng chia ô to, nhỏ trên mặt vải.
Trên nền vải chàm, người phụ nữ Mông đen sẽ dùng chỉ tơ tằm màu xanh lá cây hoặc vàng, để thêu các đường thẳng chia ô to, nhỏ trên mặt vải.

Sau đó, người phụ nữ Mông đen sẽ dùng chỉ cotton màu trắng sợi nhỏ thêu các mũi móc xích chạy viền xung quanh đường lõi màu đen đã thêu xong, các mũi chỉ rất đều đặn và phải đảm bảo phủ kín được nền vải ghép bên dưới.

Khi đã hoàn thành phần hoa văn chính, các nghệ nhân sẽ phủ kín nốt các mảnh ghép vải nhỏ ở các đường khung viền. Đồng thời, làm thêm lớp lót bằng vải bông nhuộm chàm và may các đường nẹp viền màu trắng, đỏ, đen và một viền lớn màu đỏ trên ba cạnh của cổ áo.

Kỹ thuật thêu này được làm tương tự với các mảnh tay áo, lưng áo hoặc thắt lưng, hay các sản phẩm thủ công ứng dụng đi kèm như: túi, móc khóa..., tạo nên một tổng thể bộ trang phục truyền thống rất hài hòa, có nền, có điểm nhấn độc đáo. Cách thêu này, cũng tạo ra độ bền đáng kể cho chiếc cổ áo và cả bộ trang phục của người Mông đen.

Nghệ nhân Thào Thị Sung cũng cho hay, người Mông đen có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà làm lanh”. Chính vì vậy, người phụ nữ Mông từ ngày còn thơ bé đã được bà, được mẹ truyền nghề thêu trang phục truyền thống. Qua bàn tay khéo léo của mỗi nghệ nhân, mỗi hoa văn, mỗi kỹ thuật thêu đều như chứa đựng tâm tư tình cảm, tạo nên một bức tranh văn hóa đặc trưng, được tiếp nối, trao truyền bao đời của người Mông đen ở Tả Phìn, Sa Pa.

Em Sùng Thị Lan, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Cháu được mẹ dạy học thêu may từ khi đang học tiểu học. Con gái người Mông ai cũng phải học, cháu cũng vậy”.

Kỹ thuật thêu độc đáo cũng được dân tộc Mông ở Tả Phìn áp dụng để làm ra các sản phẩm thủ công mang tínnh ứng dụng như: túi, móc khóa..., là món quà lưu niệm mang đậm văn hóa dân tộc Mông
Kỹ thuật thêu độc đáo cũng được đồng bào Mông ở Tả Phìn áp dụng để làm ra các sản phẩm thủ công mang tínnh ứng dụng như: Túi, móc khóa..., là món quà lưu niệm mang đậm văn hóa dân tộc Mông

Đặc biệt, chính từ sự tinh tế, độc đáo trong cách tạo hoa văn, sự khéo léo, sáng tạo của mỗi nghệ nhân, nghệ thuật tạo hoa văn, cũng như kỹ năng và sáng tạo của người Mông đen là nét nổi bật để Sở lựa chọn làm hồ sơ di sản đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, những năm gần đây, tận dụng lợi thế du lịch tại Sa Pa ngày càng phát triển, người dân đã khéo léo giới thiệu, quảng bá nghệ thuật thêu bao đời của dân tộc, thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. 

"Do đó, nghề thủ công truyền thống làm trang phục của dân tộc Mông đen Sa Pa được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể,  là cơ hội để nâng tầm giá trị của nghề, giúp đồng bào có thêm động lực, "biến di sản thành tài sản", cải thiện chất lượng cuộc sống", ông Nguyễn Ngọc Thanh nhìn nhận.