Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngành Du lịch trong đại dịch: Xuất hiện xu hướng phát triển mới (Bài 1)

Hồng Phúc - 13:12, 07/10/2021

Đại dịch Covid-19 đã khiến cán cân du lịch chuyển dịch từ du lịch nước ngoài về phía nội địa, đặt ngành công nghiệp "không khói" này vào thế buộc phải chuyển mình.

Một cảnh trong Clip Đi Để Yêu! - Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực đạt gần 1,5 triệu lượt xem trên Youtube
Một cảnh trong Clip Đi Để Yêu! - Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực đạt gần 1,5 triệu lượt xem trên Youtube

Những clip triệu view 

Clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! - Bao la biển gọi” ra mắt vào ngày 6/4/2021. Chỉ với độ dài hơn 60 giây, clip mang đến cho du khách trải nghiệm mãn nhãn về những bãi biển quyến rũ làm nên thương hiệu du lịch biển Việt Nam với những hòn đảo, bãi biển hấp dẫn trải dài trên dải đất hình chữ S như đảo Cồn Cỏ, bãi biển Mũi Trèo, Phú Quốc - nơi được mệnh danh là “thiên đường đảo ngọc”, Eo Gió Quy Nhơn - một điểm đến hấp dẫn du khách trên miền đất duyên hải miền Trung…

Cán mốc trên 1 triệu lượt xem trên Youtube chỉ sau 10 ngày, đây là con số đáng mơ ước của những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội Youtube.

Đến nay, chiến dịch quảng bá mang tên “Việt Nam: Đi để yêu!” do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) thực hiện, nhằm tiếp tục triển khai chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát động, đã sở hữu nhiều sản phẩm triệu view, tạo sự hứng khởi cho công chúng.

Chiến dịch quảng bá này, có sự góp mặt của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ với lượng theo dõi lớn, như Khoai Lang Thang, Chan La Cà, Fly Around Vietnam, H'hen Niê... Mỗi nhà sáng tạo nội dung YouTube sẽ đóng vai trò như một “thuyết minh viên du lịch trực tuyến” khám phá về văn hóa, ẩm thực, con người và thiên nhiên Việt Nam.

Cũng là trên nền tảng số, nhưng dự án trực tuyến "Kỳ quan Việt Nam", ra mắt vào cuối tháng 1/2021 có sự phối hợp của Tổng cục Du lịch, lại phát triển trên Google Arts & Culture (nền tảng hoạt động như một bảo tàng trực tuyến), lại chiêu đãi công chúng bằng những bức ảnh tuyệt đẹp về văn hóa, du lịch Việt.

Khi tìm kiếm từ khóa Wonder in Việt Nam” hay "Kỳ quan Việt Nam" trên Youtube, người xem có thể khám phá cảnh đẹp của Việt Nam, mà không cần phải trực tiếp đặt chân tới những vùng đất này. Người dùng có thể tìm kiếm theo chủ đề của văn hóa, màu sắc hoặc tìm kiếm theo các địa danh, nét đẹp truyền thống, di sản văn hóa của Việt Nam...

Dự án trực tuyến "Kỳ quan Việt Nam" có 35 triển lãm, với 1.369 bức ảnh tuyệt đẹp, mang đến những góc nhìn phong phú về Việt Nam để mọi người kết nối, cảm nhận, thưởng thức. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các triển lãm trực tuyến về hang Sơn Đoòng, lễ hội đèn lồng Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế, cũng như các tính năng tương tác cho phép du khách trải nghiệm các kỳ quan của Việt Nam theo một cách mới.

Thực tế đã chứng minh, sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh covid 19 đến du lịch. Trong 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ 2020.

Thế nên, với những người dân yêu thích du lịch, những ứng dụng này là bạn đồng hành hữu ích. Còn trong bối cảnh dịch bệnh, các ứng dụng này lại phát huy lợi thế của mình thông qua việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến du khách cả trong nước lẫn quốc tế.

Quảng bá du lịch trên các nền tảng số đang là xu hướng của ngành Du lịch trong đại dịch
Quảng bá du lịch trên các nền tảng số đang là xu hướng của ngành Du lịch

Thích ứng và phát triển 

Chưa khi nào ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, như khi xuất hiện dịch Covid19. Trong lúc khó khăn này, ngành Du lịch Việt Nam tìm được khả năng "kháng cự", sức bật nội lực từ những sáng tạo để tìm thời cơ trong thách thức.

Nếu như trước dịch, chúng ta có những con số ấn tượng về sự phát triển của ngành công nghiệp "không khói" qua lượt khách, doanh thu từ du lịch, thì tới nay chúng ta cũng đang xây dựng những con số ấn tượng trên các nền tảng số đến từ những lượt view (lượt xem) trên nền tảng số. Bởi mọi hoạt động bị gián đoạn, các dịch vụ, du lịch bị ngưng trệ, thì nhiều nhu cầu về tinh thần của chúng ta đều có thể được thỏa mãn một phần thông qua smartphone.

Anh Lê Quang Khải, (22 tuổi, ở Hà Nội) một người yêu thích du lịch chia sẻ: Chuyến đi Hà Giang năm nay của mình bị hoãn do dịch bệnh. Khi giãn cách xã hội, mình ở nhà và xem những clip về vùng đất Hà Giang trên Youtube, dù không được tận mắt tới nơi, nhưng những thước phim ấy, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với mình về một vùng văn hóa đặc sắc. Nó càng khiến mình có động lực đến Hà Giang ngay sau khi hết dịch.

Các nghiên cứu của các công cụ tìm kiếm trên mạng xã hội đều nắm bắt, và chỉ ra được rằng, khi không thể đi du lịch, họ sẽ tìm kiếm trên mạng internet, các nền tảng mạng xã hội để xem, theo dõi những nội dung yêu thích về địa danh mình mong muốn đến.

Trong thời đại mà số lượng người dùng smartphone toàn cầu là 5,22 tỷ người, số người sử dụng internet là 4,66 tỷ người và số người dùng mạng xã hội là 4,2 tỷ người (theo phân tích Hootsuite - một công cụ quản lý mạng xã hội) tính đến tháng 1/2021, thì việc chiếm nhiều view, là một trong những yếu tố thành công của việc quảng bá mọi lĩnh vực, đặc biệt là du lịch.

Khám phá sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc là lợi thế lớn của ngành Du lịch Việt Nam. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Khám phá sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc là lợi thế lớn của ngành Du lịch Việt Nam. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nghệ đã giúp những người thích đi du lịch thỏa mãn khát vọng khám phá. Còn với các công ty, đơn vị làm du lịch, thích ứng với cách quảng bá, làm du lịch mới, cũng giúp họ tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian. 

Khi người người, nhà nhà đều hiện diện trực tuyến, mọi thứ đều được cập nhật nhanh chóng, kéo theo xu hướng và nhu cầu của khách du lịch cũng thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Không chỉ Youtube, mà hàng chục mạng xã hội, nền tảng trực tuyến như: Tiktok, Instagram, Facebook, Twitter… cũng đang là những "mỏ vàng" cho du lịch khai thác, quảng bá hình ảnh.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam nhận định, Việt Nam là một ngôi sao đang lên không chỉ trong khu vực, mà còn ở thế giới, bởi kinh nghiệm kiểm soát tình hình dịch bệnh và để lại ấn tượng tốt đẹp trên truyền thông quốc tế. Đây là bước quan trọng để định hình quyết định của du khách khi tình hình dịch bệnh đi qua và mọi người bắt đầu lên kế hoạch du lịch trở lại.