Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ thuật chuyển đổi số: Biến tình thế thành xu thế

PV - 11:04, 03/10/2021

Tại Diễn đàn Tác động của đại dịch Covid-19: Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận sự chuyển hướng của nghệ thuật biểu diễn đã phát huy sức mạnh của “vắc xin tinh thần” xoa dịu nỗi đau, cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, làm thế nào để các đơn vị nghệ thuật chuyển hướng vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa có thể kiếm được tiền trên các nền tảng mạng là một thách thức.

Chương trình nghệ thuật online “Ở nhà cùng vui” với tinh thần san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch
Chương trình nghệ thuật online “Ở nhà cùng vui” với tinh thần san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch

Một cuộc chuyển mình mạnh mẽ

Hai năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nhà hát đóng cửa, sân khấu tắt đèn, nghệ sĩ không được biểu diễn, khán giả không được thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên… bị cắt giảm lương, cuộc sống khó khăn. Trước bối cảnh này, một cuộc chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra. Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, các nhà hát, sân khấu online xuất hiện như một cách tháo gỡ khó khăn, để dòng chảy nghệ thuật vẫn bền bỉ nối dài.

Tuy nhiên, nghệ thuật chuyển đổi số mới chỉ là “phép thử” trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi, về lâu dài, làm thế nào để các nhà hát, đơn vị nghệ thuật có thể kiếm được tiền trên các nền tảng mạng xã hội? Câu trả lời không hề đơn giản.

 Bài toán đặt ra là trong khi các Youtuber nổi tiếng có thể kiếm tiền dễ dàng thì đây lại là khó khăn đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là những đơn vị nghệ thuật truyền thống. Những địa chỉ, trang mạng xã hội tuy đã được các đơn vị xây dựng, song chưa phát huy hiệu quả, ít người truy cập, quan tâm.

Nghệ thuật biểu diễn làm thế nào để biến “tình thế” thành “xu thế”? Bình luận về thực tế này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, có lẽ chưa bao giờ, hoặc lâu lắm rồi chúng ta mới chứng kiến cảnh đời sống nghệ thuật đóng băng như hiện nay. Đối với cuộc chuyển đổi số trong nghệ thuật, theo ông Bùi Hoài Sơn, chúng ta chưa sẵn sàng cho quá trình này. Trong tư duy, nghệ sĩ và khán giả Việt Nam luôn nghĩ, để thưởng thức nghệ thuật cần phải được thưởng thức trực tiếp thì mới cảm nhận hết được những giá trị tinh túy. Mặt khác, chúng ta chưa có những chương trình nghệ thuật phù hợp với công nghệ kỹ thuật số, chưa có phương tiện để thực hiện biểu diễn nghệ thuật trên môi trường số; khán giả cũng chưa hoàn toàn quen với việc thưởng thức nghệ thuật trên môi trường này.

Chứng kiến sự thay đổi trong cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông qua nền tảng công nghệ số như Facebook, Youtube để đưa những liều “vắc xin tinh thần” cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nhà hát online là một giải pháp tình thế hiện nay. Tuy nhiên, “không phải cứ đưa các chương trình nghệ thuật lên mạng là đã có nhà hát online. Vì để có nhà hát online, các chương trình phải thiết kế lại cho phù hợp với công nghệ số cả ở nội dung, thời lượng, cách chuyển tải đến khán giả… Hy vọng, sau những thử nghiệm đầu tiên, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm để xây dựng các mô hình nhà hát online đúng nghĩa, phù hợp với xu thế thế giới và làm giàu có, đa dạng hơn thị trường nghệ thuật ở Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.

Quan trọng nhất là thương hiệu

Theo ông Lê Minh Tuấn, định hướng tới đây đối với các đơn vị nghệ thuật là sẽ xây dựng các kênh thu phí. Hiện tại hầu như đơn vị nghệ thuật nào cũng có kênh online, fanpage, nhưng vẫn chưa thu hút được sự theo dõi và tương tác chưa cao. Có nhiều lý do, thứ nhất là sự thiếu hấp dẫn của các kênh online, fanpage này. Thứ hai, khán giả thực sự vẫn chưa quen với việc tương tác và hưởng thụ nghệ thuật trên mạng. Thứ ba là do sự cạnh tranh của các chương trình gameshow, giải trí khác khiến cho việc lên mạng xem kịch, biểu diễn nghệ thuật bị xao lãng ít nhiều.

Thương hiệu là vô cùng quan trọng với nghệ sĩ, và nhiệm vụ của mỗi nghệ sĩ, chương trình, hay đơn vị nghệ thuật là xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình. Khi có được thương hiệu, chúng ta có thể có khả năng kiếm tiền trên môi trường mạng.

PGS.TS Bùi Hoài SơnỦy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phân tích thực trạng này, PGS Bùi Hoài Sơn gợi mở, cần tận dụng sức ảnh hưởng từ những ngôi sao trên thị trường giải trí nhằm tạo sức hút đối với các chương trình. Đơn cử, chương trình nghệ thuật online Cháy lên do Bộ VHTTDL vừa thực hiện đã thu hút đông đảo người xem, trong đó có lượng tương tác không nhỏ khi link được dẫn về kênh Facebook cá nhân của NSƯT Xuân Bắc.

 “Trong các Nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ có nhiều nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng đang làm việc. Đây là lợi thế, tuy nhiên, nghĩ xa hơn, các đơn vị nghệ thuật cần chuẩn bị kỹ hơn nhằm nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng cho các chương trình, bớt phụ thuộc vào các nghệ sĩ. Ngược lại, khi chương trình có nội dung tốt, hấp dẫn, có thương hiệu riêng, chúng ta sẽ huy động được các nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ ở trong khu vực nhà nước mà còn cả các nghệ sĩ tự do, thậm chí là các ngôi sao quốc tế”, theo ông Bùi Hoài Sơn.

Trong số các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế qua các chương trình nghệ thuật online, các chuyên gia nhấn mạnh, thương hiệu là yếu tố quan trọng. “Một clip của Sơn Tùng MTP vừa ra đã thu hút hàng triệu lượt người theo dõi. Xa hơn, ở nước ngoài, chỉ cần một dòng tweet của cầu thủ Ronaldo hay Messi có thể kiếm về hàng chục ngàn đô la. Nói thế để chúng ta thấy rằng, thương hiệu là vô cùng quan trọng với nghệ sĩ, và nhiệm vụ của mỗi nghệ sĩ, chương trình, hay đơn vị nghệ thuật là xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình. Khi có được thương hiệu, chúng ta có thể có khả năng kiếm tiền trên môi trường mạng như rất nhiều các ví dụ đã có hiện nay”, ông Sơn phân tích.

Để tạo thương hiệu cho chương trình, hay nói cách khác là để biến giải pháp tình thế trở thành xu thế, các chuyên gia văn hóa lưu ý, cần phải có một tư duy khác, cách làm khác. Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế này. Cần có tư duy mới tổ chức biểu diễn trên mạng, huy động nguồn lực, phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu trên môi trường số. Làm được như thế, chúng ta sẽ có những chương trình phù hợp với bối cảnh mới, công nghệ mới và khán giả mới.

Dù đại dịch Covid-19 còn kéo dài hay được kiểm soát thì việc đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên môi trường kỹ thuật số để tiếp cận khán giả vẫn được xác định là con đường tất yếu. Tuy nhiên, “chúng ta cần có những giải pháp mang tính chiến lược hơn cho bối cảnh mới. Sự lạc hậu, nếu diễn ra, sẽ tác động tai hại đến sự phát triển nghệ thuật của đất nước và ngược lại, nếu chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ giúp nghệ thuật cất cánh, tạo điều kiện để nghệ thuật không chỉ giúp người dân giải trí, mà quan trọng hơn còn để bồi đắp đời sống tinh thần cao đẹp cho nhân dân...”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Trong 2 ngày 19 và 20/12, Phòng Dân tộc thị xã Ayun Pa (UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS năm 2024.