Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Một số địa phương “kích hoạt” du lịch trở lại

Như Ý - 11:04, 02/10/2021

Tổng cục Du lịch cho biết, khi dịch bệnh trong nước dần được kiểm soát. Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế là rất cần thiết. Hiện nay các địa phương đã bắt đầu xây dựng nhiều phương án để đưa ngành du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên yếu tố an toàn (cho khách du lịch, người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cả xã hội) là yêu cầu bắt buộc nhằm xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn.

Khu du lịch sinh thái Rừng Sác Cần Giờ
Khu du lịch sinh thái Rừng Sác Cần Giờ

TP. Hồ Chí Minh

Sau nhiều tháng "ngủ đông", các công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đưa khách du lịch về các "vùng xanh" nhằm kích hoạt lại ngành du lịch thành phố. Sau khi các tour này được triển khai thành công, các doanh nghiệp đang hướng đến mở thêm các tour liên vùng với điểm đến là các "vùng xanh" an toàn với dịch.

Qua thống kê của các công ty du lịch, dù nhu cầu đi du lịch của người dân đang tăng cao sau thời gian dài phải ở nhà phòng, chống dịch nhưng các công ty du lịch vẫn cần phải khảo sát thêm nhiều điểm đến an toàn, là "vùng xanh" liên tỉnh, liên vùng.

Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều chuyến đưa lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh đi tham quan tại các "vùng xanh" ở huyện Cần Giờ, Củ Chi, Sở mong muốn các doanh nghiệp du lịch tiếp tục mạnh dạn triển khai thêm các đường tour "vùng xanh" khác ở trong nội thành và các tỉnh, thành khác. Sở cũng sẽ liên hệ với các sở, ngành các tỉnh để nghiên cứu, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp du lịch khi xây dựng các đường tour khép kín này.

Hà Nội

Sở Du lịch Hà Nội đang chủ động tham mưu với UBND Thành phố xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm.

Các giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch bám sát kịch bản diễn biến dịch của Bộ Y tế đang xây dựng để thống nhất ban hành; dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” gắn với 4 giai đoạn.

Dự kiến, trong tháng 10, với sự cho phép của UBND Thành phố, ngành Du lịch Hà Nội có thể sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 3, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện, hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số dịch vụ đi kèm như spa, phòng gym, karaoke… vẫn bị hạn chế. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thành phố.

Việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch Thủ đô. Hiện, 100% đơn vị cơ sở lưu trú, điểm đến được yêu cầu đăng ký và đánh giá an toàn trên hệ thống safe.tourism.com.vn. Đồng thời, Sở Du lịch thường xuyên tuyên truyền, thông báo, cập nhật về các chính sách, quy định phòng chống dịch đối với các sở dịch vụ, lưu trú, điểm đến trên địa bàn Thành phố.

Do yếu tố phòng dịch lên hàng đầu khi hoạt động du lịch được phục hồi, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các đơn vị cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch. Bộ tiêu chí sẽ quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với các đơn vị. Qua đó, xây dựng các điểm du lịch xanh, cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ xanh đảm bảo sức khỏe, an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách và các đơn vị du lịch.

Thủ tướng đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc
Thủ tướng đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc

Kiên Giang

Hiện nay, Phú Quốc đã được Chính phủ cho thí điểm để mở cửa đón khách quốc tế. Phú Quốc đã thí điểm lựa chọn đối tượng khách từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch như: châu Âu, Trung Đông, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài các điều kiện về tiêm ngừa vaccine đủ liều để có "thẻ xanh COVID-19" thì du khách quốc tế là trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ theo quy định của ngành y tế cũng có thể đến du lịch...

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế tại Phú Quốc sẽ được triển khai trong 6 tháng tới. Cụ thể, từ ngày 20/11, Phú Quốc tổ chức đón 1-3 chuyến bay đầu tiên để vận hành thử nghiệm quy trình đón, phục vụ khách nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm.

Từ ngày 20/12 sẽ thực hiện với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 20/12/2021 đến 20/3/2022) thí điểm đón từ 3.000 - 5.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến; triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn 2 (từ 20/3/2022 đến 20/6/2022) sau khi đánh giá kết quả giai đoạn 1, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô, dự kiến đón từ 5.000-10.000 khách/tháng.

Khánh Hòa

Từ ngày 1/10, theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở khu vực biệt lập, sau khi đã đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn Covid-19 được Sở Du lịch Khánh Hòa cho phép đón khách trong tỉnh. Khách là người có thẻ xanh, tức là đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 đã qua ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh. Khách có thẻ vàng là người đã tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày tiêm hoặc là người có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.

Trong điều kiện cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, kịch bản hồi phục du lịch được tỉnh Khánh Hòa chia làm 3 giai đoạn; giai đoạn 1 bắt đầu từ 1/10 tập trung khai thác du lịch nội tỉnh. Giai đoạn 2 từ ngày 15/10, căn cứ vào tiêu chí phòng chống dịch sẽ xúc tiến các thị trường lân cận. Cuối cùng ở giai đoạn 3, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ kiến nghị Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức "hộ chiếu vaccine". Trong đó từ tháng 11 sẽ thí điểm đón khách ở 12 cơ sở du lịch tại khu du lịch Bãi Dài, phía Bắc bán đảo Cam Ranh.

Bình ĐỊnh dự kiến đón khách nội địa từ đầu tháng 11
Bình ĐỊnh dự kiến đón khách nội địa từ đầu tháng 11

Bình Định

Bình Định sẽ “kích hoạt” du lịch, dự kiến đón khách nội địa từ đầu tháng 11 khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm PCR, sau đó sẽ mở ra du lịch quốc tế.

Bên cạnh các đối tượng ưu tiên, cố gắng tiêm cho tất cả người lao động trên địa bàn tỉnh. Riêng thành phố Quy Nhơn, cố gắng đạt tỷ lệ bao phủ 90% liều đầu tiên.

Đồng thời, người dân ở bán đảo Phương Mai sẽ được tiêm hai mũi vaccine để phục hồi du lịch và có thể đón khách du lịch trong và ngoài tỉnh vào đầu tháng 11.

Đối với khách quốc tế, tỉnh đang xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ, nếu được phép sẽ mở bán đảo Phương Mai đón khách và đảo Nhơn Châu, sau khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho người dân.

Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam cũng đang lên kế hoạch đón khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19 và du khách tiêm đủ liều vaccine đến tham quan phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, đảm bảo an toàn trong điều kiện tình hình mới. Tỉnh cũng đang có kế hoạch đề xuất Bộ VHTTDL, Chính phủ cho phép đón khách quốc tế sau khi Phú Quốc thí điểm.

Thừa Thiên – Huế

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, từ ngày 1/10/2021, đơn vị sẽ mở cửa trở lại phục vụ du khách tại một số điểm di tích như Đại Nội và lăng các vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định. Đây là bước đi nhằm dần khôi phục ngành Du lịch của địa phương sau thời gian dài chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.

Theo đó, du khách sẽ chỉ được tham quan khu vực ngoài trời, không vào bên trong nội thất các cung điện. Để đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch, du khách phải hiện tốt thông điệp “5K”, quét mã QR Thẻ kiểm soát dịch bệnh trước khi vào tham quan; riêng khách ngoại tỉnh phải hoàn tất việc thực hiện giám sát y tế theo quy định.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang áp dụng giảm 50% giá vé tham quan các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Thời gian qua, ngành Du lịch địa phương cũng tích cực quảng bá rộng rãi bằng hình ảnh, video các điểm danh lam thắng cảnh của tỉnh trên những nền tảng mạng xã hội, tạo tiền đề để thu hút khách di lịch đến với Thừa Thiên – Huế khi tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát.

Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện tại 1/4 hướng dẫn viên du lịch của tỉnh (tương đương với 200 người) đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và con số này sẽ tăng lên thời gian tới nhằm chủ động bắt kịp xu hướng mở cửa thị trường du lịch nội địa.

Phong Nha - Kẻ Bàng luôn thu hút du khách khi đến Quảng Bình
Phong Nha - Kẻ Bàng luôn thu hút du khách khi đến Quảng Bình

Quảng Bình

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình, khi dịch bệnh dần được khống chế, đơn vị đã lập kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong điều kiện mới với 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1, từ thời điểm ban hành kế hoạch đến hết tháng 12/2021, tập trung nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái “bình thường mới”; giai đoạn 2 từ 1/1/2022 đến 31/12/2023, khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, Quảng Bình tập trung các biện pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện mới.

Để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đề nghị tỉnh Quảng Bình cần có hướng dẫn cụ thể nhằm có thể đón khách “vùng xanh” nội tỉnh từ 1/10; tạo “hành lang xanh” giữa Quảng Bình và các điểm du lịch 1 số tỉnh, thành phố trong cả nước; ban hành hướng dẫn du lịch an toàn trong trạng thái “bình thường mới”; vấn đề “hộ chiếu vaccine”, tạo thuận lợi cho du khách nói chung, du khách nước ngoài nói riêng; việc tiêm vaccine cho lao động ngành Du lịch; xem xét chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Trước mắt, Sở Du lịch đánh giá kỹ tình hình, nhu cầu du lịch của khu vực bắc Trung Bộ và Quảng Bình để xây dựng phương án phục hồi hoạt động du lịch bảo đảm sát với thực tế. UBND tỉnh cần sớm ban hành văn bản quy định về tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong giai đoạn phòng, chống dịch mới. Các ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức; hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các tour, tuyến, điểm lưu trú mới, sẵn sàng đón “làn sóng” khách du lịch trong trạng thái “bình thường mới”; tranh thủ thời gian để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Hải Phòng

Từ 1/10, UBND thành phố Hải Phòng cho phép các địa phương mở khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nhưng chỉ phục vụ khách là người địa phương. Cụ thể, Thành phố yêu cầu, khách đến các điểm du lịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh hoặc RT-PCR trong 72 giờ; người có chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã được công bố khỏi bệnh.

Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Nhân viên phục vụ phải có xác nhận tiêm vắc xin ít nhất mũi 1, xét nghiệm định kỳ 1 tuần/lần và tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

Cơ sở lưu trú, ban quản lý các khu du lịch, di tích lịch sử, doanh nghiệp lữ hành chịu trách nhiệm kiểm tra khách vào tham quan trong phạm vi quản lý./.