Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao trình độ cho lao động DTTS: Cần thay đổi cách xác định “lao động qua đào tạo” (Bài 3)

Sỹ Hào - 10:23, 25/03/2020

Đến thời điểm này, chỉ tiêu “lao động qua đào tạo” đã vượt kế hoạch đề ra; tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) đạt rất thấp, nhất là lao động DTTS. Điều này đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận trong việc thực hiện chỉ tiêu “lao động qua đào tạo”.

Đào tạo nghề đang góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động; nhiều LĐNT có thu nhập từ làm dịch vụ nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Đào tạo nghề đang góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động; nhiều LĐNT có thu nhập từ làm dịch vụ nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Đào tạo ngắn hạn là chính

Trong số báo 24 (1606), ra ngày 20/3, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh trình độ của lao động DTTS ngày càng tụt hậu so với yêu cầu của thị trường, việc làm. Số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê (TCTK) đã cảnh báo, có tới 76,9% lao động chưa được đào tạo CMKT; phần lớn lao động DTTS đều chưa qua đào tạo.

Nhưng kết quả thực hiện chỉ tiêu “Lao động qua đào tạo” của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) lại đưa ra số liệu hoàn toàn khác. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020, tổ chức ngày 25/12/2019, Bộ LĐTB&XH đã công bố: Hết năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo (bao gồm các trình độ: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên và dạy nghề dưới 3 tháng) đã đạt 62%.

Nhìn qua thì số liệu giữa TCTK và Bộ LĐTB&XH “vênh” nhau, nhưng thực tế lại hoàn toàn phù hợp. Bởi TCTK rà soát lao động được đào tạo CMKT từ trình độ sơ cấp (3 tháng) trở lên, có văn bằng, chứng chỉ; còn Bộ LĐTB&XH lại gộp cả số lao động được đào tạo ngắn hạn, dưới 3 tháng.

Thực tế là từ năm 2012 đến nay, thực hiện “Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020” theo Quyết định số 630/QĐ-TTg, ngày 29/5/2012, ngành LĐTB&XH các địa phương đã nỗ lực nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, phần lớn lao động nông thôn (LĐNT), lao động DTTS chủ yếu tiếp cận trình độ đào tạo ngắn hạn theo Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” (Đề án 1956).

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, hết năm 2019, cả nước đã có khoảng 9,6 triệu LĐNT được học nghề theo Đề án 1956; đạt 85,7% mục tiêu của đề án (11,2 triệu người đến năm 2020).

Còn tính riêng lao động DTTS, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2016 đến cuối năm 2018, có khoảng 480 nghìn người được học nghề. Trong đó chỉ có 130 nghìn người (chiếm 8%) học trung cấp, cao đẳng; còn lại khoảng 350 nghìn người được đào tạo ngắn hạn theo Đề án 1956.

Cần thay đổi cách xác định “Lao động qua đào tạo”

Như các kỳ báo trước đã phản ánh, trình độ học vấn thấp cùng với việc chưa được đào tạo CMKT, nên phần lớn lao động DTTS nằm trong nhóm có mức sống “nghèo nhất”. Trong khi đó, chỉ tiêu “Lao động qua đào tạo” luôn đạt và vượt, khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về sự chính xác của việc thực hiện chỉ tiêu này.

Từ cuối năm 2018, khi đối chiếu với thông lệ quốc tế về chỉ tiêu “Lao động qua đào tạo” là phải tính từ 3 tháng trở lên, được cấp chứng chỉ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trình độ đào tạo lao động lâu nay chủ yếu là ngắn hạn. Trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ tiêu “Lao động qua đào tạo”, chủ yếu đào tạo ngắn hạn đã hết sứ mệnh lịch sử.

Thực tế, những năm qua, chỉ tiêu “Lao động qua đào tạo” cũng đã góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu việc làm ở khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi. Theo rà soát của TCTK, cơ cấu lao động làm nông nghiệp đã chuyển dịch từ 51,55% năm 2009 xuống còn 34,7% cuối năm 2019.

Báo cáo của TCTK cho thấy, năm 2019, thu nhập bình quân của nhóm “Lao động giản đơn” (chủ yếu LĐNT, lao động DTTS), dù mức thu nhập vẫn thấp nhất (3,26 triệu đồng/người/tháng) nhưng cũng đã tăng 717 nghìn đồng so với năm 2018.

Trong điều kiện trình độ lao động DTTS còn rất thấp, việc thực hiện chỉ tiêu “Lao động qua đào tạo”, trong đó có các lớp đào tạo ngắn hạn vẫn hết sức cần thiết đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, việc đào tạo không thể dừng ở lại ở hình thức như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất như thời gian qua.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).