Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý và tổ chức các hoạt động của trường PTDT nội trú, bán trú

Thúy Hồng - 20:05, 14/08/2023

Sáng 14/8 tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Khảo sát xây dựng tài liệu tập huấn quy chế trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, bán trú và tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý và tổ chức các hoạt động của trường PTDT nội trú.

Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc phát biểu kết luận Hội thảo
Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Dân tộc cho biết: Thực hiện Luật Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 03 ngày 6/2/2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDT bán trú và Thông tư 04 ngày ngày 23/2/2023 về Quy chế tổ chưc và hoạt động của trường PTDT nội trú. Mục tiêu của 2 thông tư này có sự đổi mới so với thông tư cũ, nhằm mở rộng mục tiêu tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, mở rộng địa bàn tuyển sinh cho hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú. Thông tư đã cụ thể hóa nhiệm vụ của trường PTDT nội trú, phân cấp triệt để nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị.

“Hội thảo nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thông tư để thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy chế hoạt động mới ban hành”, ông Lê Như Xuyên nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là địa phương có 11 huyện, thị xã với 217 xã, phường, thị trấn vùng miền núi có có diện tích tự nhiên chiếm 83%, dân số chiếm 36,32% của tỉnh, với chủ yếu 5 DTTS: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú và Ơ Đu chiếm 14,8%.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chủ trương chính sách, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, giáo dục vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh các trường PTDT nội trú THPT đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm trong tốp đầu của tỉnh; các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh người DTTS được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có 71 trường PTDT nội trú, bán trú, trong đó có 2 trường PTDT nội trú THPT, 6 trường PTDT nội trú THCS, 36 trường PTDT bán trú THCS, 22 trường PTDT bán trú tiểu học, 5 trường PTDT bán trú TH&THCS Với 25.462 học sinh được học tập trong môi trường thuận lợi nhất, trong đó có 14.677 em học sinh được ăn, ở, học tập tại trường.

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy học tại các trường PTDT nội trú, bán trú từng bước được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh. Đến thời điểm hiện nay đã có 35 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 41 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục các mức độ;

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Công tác quy hoạch trường, lớp, diện tích khuôn viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Đội ngũ giáo viên còn thiếu ở các cấp học, một bộ phận năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm còn hạn chế, chưa có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu khi phải dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông.…

Hiện nay, chưa có chính sách cho đội ngũ nhà giáo và nhà trường ở các trường phổ thông có học sinh bán trú ăn, ở tập trung và trường phổ thông có học sinh bán trú được tổ chức nấu ăn (không ở lại) tập trung. Hầu hết các trường PTDT bán trú chưa có nhân viên y tế.

Bà Nguyễn Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh Nghệ An, phát biểu tại Hội thảo
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Ông Võ Văn Mai kiến nghị, cần ưu tiên tập trung các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách có liên quan đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, nhà nội trú, bán trú học sinh, nhà công vụ giáo viên và các công trình phụ trợ khác nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học và nhu cầu ăn, ở, học tập của học sinh.

Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại như xây phòng học trực tuyến, phòng học thông minh, thư viện số; đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và xu thế hội nhập quốc tế.

Có các chính sách đối với nhà giáo và nhà trường tại các trường phổ thông có học sinh bán trú ăn, ở tập trung và trường phổ thông có học sinh bán trú được tổ chức nấu ăn (không ở) tập trung. Tăng định biên giáo viên, nhân viên y tế cho các nhà trường.

Có chính sách đặc thủ thu hút giáo viên giỏi, khuyến khích giáo viên yên tâm ở lại công tác tại các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung…

Đặc biệt hiện nay, nhu cầu học sinh vào học trường DTNT rất lớn, học sinh đăng ký học theo chế độ tự túc. Cần xem xét có cơ chế để tuyển sinh để thúc đẩy chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Kiến nghị về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 04 về Quy chế tổ chưc và hoạt động của trường PTDT nội trú, bà Nguyễn Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu để xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động quản lý hệ thống trường nội trú theo Thông tư 04.

Bên cạnh hoạt động của trường PTDT nội trú thì hoạt động của trường PTDT bán trú cũng còn nhiều khó khăn. Khoảng cách giữa các điểm trường còn xa nên phải dồn về điểm trường chính, nhưng do học sinh đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu học tập. Định mức ăn uống chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó theo quy chế hoạt động của Thông tư 03 chưa thể tổ chức hoạt động trải nghiệm, trồng trọt cho học sinh do chưa có khuôn viên để lao động sản xuất.

Chưa có chi phí sinh hoạt, nhu yếu phẩm cá nhân cho học sinh bán trú. Nâng học bổng lên 100% lương cơ bản để đáp ứng nhu cầu về công tác chăm nuôi học sinh…

Đoàn Công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc với cán bộ, giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Nghệ An
Đoàn Công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc với cán bộ, giáo viên Trường PTDT nội trú tỉnh Nghệ An

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc đã ghi nhận những ý kiến về những khó khăn, bất cập trong hoạt động trường PTDT nội trú, bán trú.

Giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trường PTDT nội trú, bán trú, ông Lê Như Xuyên cho rằng, đối tượng tuyển sinh của trường PTDT nội trú là những học sinh ưu tú nhất, tinh túy nhất của địa phương. Việc mở rộng đối tượng tuyển sinh phải chú ý đến chất lượng và cân đối vùng miền giữa các dân tộc. Kế hoạch mở rộng đối tượng tuyển sinh học sinh học dân tộc Kinh ngoài đối tượng quy định trong trường nội trú do địa phương quyết định, nhưng cần thông qua Nghị quyết do HĐND tỉnh quyết định. Cần có chủ trương, cơ chế tài chính rõ ràng theo quy định của pháp luật.

Trả lời kiến nghị về cơ sở vật chất của các trường PTDT nội trú, bán trú còn thiếu, xuống cấp, ông Lê Như Xuyên cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã phân bổ kinh phí xây dựng trường học, nhà ở ký túc xá cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú. Hiện nay kinh phí đã được cấp cho các tỉnh, vì vậy các địa phương cần khẩn trương rà soát về nhu cầu gửi Sở GD&ĐT để báo cáo Bộ GD&ĐT. Nếu trong giai đoạn 2021 - 2025 thiếu kinh phí cần rà soát để bổ sung kinh phí thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Sáng cùng ngày, Đoàn Công tác của Bộ GD&ĐT do ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc với Trường PTDT nội trú tỉnh Nghệ An.