Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thông tư 04 gỡ khó cho hệ thống trường dân tộc nội trú

Thúy Hồng - 20:11, 20/03/2023

Để mô hình trường dân tộc nội trú phát triển, phát huy được chức năng, hiệu quả giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDT Nội trú. Nội dung thông tư mới được đánh giá sẽ khắc phục được những khó khăn bất cập về chế độ chính sách trong giai đoạn mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT

Mở rộng vùng tuyển sinh

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ban hành Quy chế mới về tổ chức và hoạt động của trường PTDT nội trú. Điều phấn khởi là, Thông tư 04 ban hành đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bất cập về quy chế tổ chức hoạt động của các trường PTDT nội trú so với Thông tư số 01 được ban hành ngày 15/1/2016.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nội dung thông tư số 04 có nhiều điểm mới so với quy chế tổ chức hoạt động của thông tư cũ. Thông tư mới đã xác định rất rõ mục tiêu của các trường PTDT nội trú, là nơi tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng DTTS và miền núi.

Nội dung Thông tư 04 quy định rõ về quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDT nội trú bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục và chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý học sinh; nhiệm vụ và quyền của giáo viên, nhân viên, học sinh…

Đặc biệt, khi xây dựng nội dung Thông tư 04, Bộ đã xây dựng quy chế mở, tạo điều thuận lợi cho các trường mở rộng vùng tuyển sinh trong giai đoạn mới. Thông tư quy định chi tiết vùng tuyển sinh, không chỉ tuyển sinh ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) mà có thể mở rộng vùng tuyển sinh.

Nhấn mạnh về những đổi mới trong nội dung Thông tư 04, bà Vũ Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc cho biết: Ưu tiên số một là học sinh ở vùng ĐBKK, nhưng trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, vùng đặc biệt khó khăn đã thu hẹp lại nên các địa phương có quyền mở rộng vùng tuyển sinh ở các xã vùng 1 và xã vùng 2. 

“Thông tư cũng đã trao quyền cho các địa phương quy định tỷ lệ cho học sinh ở vùng ĐBKK, với vùng khác để phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đối với việc đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn”, bà Ánh cho biết.

Thông tư 04 được ban hành tạo điều kiện cho các trường mở rộng vùng tuyển sinh
Thông tư 04 được ban hành tạo điều kiện cho các trường mở rộng vùng tuyển sinh

Trước đây, theo Thông tư số 01, các trường PTDT nội trú rất khó tuyển sinh do các xã ở vùng DTTS và miền núi ra khỏi vùng ĐBKK. Mặt khác, việc phân cấp quản lý các cấp học cũng còn nhiều bất cập. Từ ngày 1/4/2023 khi Thông tư 04 có hiệu lực thì sẽ giải quyết được những vướng mắc theo quy định cũ.

Bà Hoàng Thu Phương - Trưởng phòng THPT, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: Trên cơ sở quy định mới về đối tượng tuyển sinh như trên, đã tạo điều kiện mở rộng đối tượng tuyển sinh vào trường PTDT nội trú so với Thông tư số 01/2016 như: Ngoài việc tuyển học sinh ở các xã, phường, thị trấn khu vực III và thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì theo Thông tư 04 còn được tuyển học sinh ở xã, phường, thị trấn khu vực II và khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi theo quy định thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên; 

“Điểm mới này đã giải quyết được vấn đề xây dựng các xã, huyên đạt nông thôn mới mà không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh vào hệ thống các trường PTDT nội trú, góp phần thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ giao trong lĩnh vực GD&ĐT, cũng như thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu”, bà Hoàng Thu Phương chia sẻ.

Cơ hội học tập cho học sinh DTTS rất ít người

Thông tư 04 được ban hành, cũng đang mở ra cơ hội học tập đối với học sinh DTTS rất ít người. Bởi nội dung thông tư số 04 nêu rõ, học sinh DTTS rất ít người sẽ được tuyển thẳng vào các trường PTDT nội trú mà không cần thi.

Theo đó, học sinh DTTS rất ít người được quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người. Theo đó, học sinh DTTS rất ít người sẽ được tuyển trực tiếp vào học tại các trường PTDT nội trú THPT mà không cần thi tuyển đầu vào.

Ông Đỗ Tư Duy - Phó hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THPT huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: Việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với học sinh DTTS rất ít người, là một chủ trương đúng đắn. Chính sách này tạo điều kiên thuận lợi cho các em có cơ hội theo học lên các bậc học cao hơn. Nhìn từ thực tế, từ khi có chính sách tuyển thẳng học sinh DTTS rất ít người được tuyển thẳng vào trưởng PTDT nội trú, tỷ lệ các em học sinh DTTS rất ít người đi học cao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thì cũng bộc lộ một số hạn chế. Theo ông Đỗ Tư Duy, do các em học sinh được xét tuyển trực tiếp nên nhiều em học sinh khi vào học tại trường có học lực yếu, không có khả năng theo kịp các bạn khác, nên dẫn đến chán học, nhiều em bỏ học giữa chừng.

Nói về những bất cập này, bà Lê Thị Thanh Nhàn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc cho biết: Chính sách tuyển thẳng các em học sinh DTTS rất ít người là chính sách ưu tiên, nhằm khuyến khích các em học sinh DTTS rất ít người đến lớp.

“Mặc dù đầu vào của đối tượng này còn kém hơn những đối tượng khác, nhưng vẫn phải ưu tiên tuyển sinh. Các trường phải có trách nhiệm bồi dưỡng, phụ đạo dành riêng cho đối tượng này", bà Nhàn nói.

Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, tạo cơ hội học tập cho học sinh DTTS
Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, tạo cơ hội học tập cho học sinh DTTS

Cũng theo bà Nhàn, nội dung Thông tư 04 cũng đã nêu cụ thể hóa các hoạt động đặc thù của trường PTDT nội trú. Bên cạnh các chương trình giáo dục phổ thông, thì các trường phải có trách nhiệm bồi dưỡng, phụ đạo hoc sinh, tổ chức các hoạt động giáo dục văn hoá, nội trú cho học sinh…

Các trường cũng có nhiệm vụ phối hợp với chính quyền, các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú… bảo đảm học sinh được giáo dục toàn diện trong điều kiện học sinh sống xa gia đình.

Hệ thống trường PTDT nội trú là loại hình trường công lập, chuyên biệt, dành cho con em các DTTS, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc ban hành thông tư mới, quy định về quy chế tổ chức, hoạt động, cơ chế chính sách là giải pháp quan trọng, ý nghĩa trong việc phát huy vai trò, chức năng của hệ thống các trường chuyên biệt, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi.