Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mường Hoong, Ngọc Linh không còn là nơi nghèo nhất ở Kon Tum

Ngọc Chí - 23:54, 23/12/2024

Trở lại xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei (Kon Tum) hôm nay, nhìn về xa là những ngôi làng ở lưng chừng núi với nhiều sắc màu của những căn nhà mới xây; những ruộng lúa xanh tốt quanh năm; những vườn cà phê trĩu quả; những vườn sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm xanh mướt... Cho thấy, cái nghèo nàn, lạc hậu năm xưa đang dần lùi xa, vùng đất này đang từng ngày khởi sắc.

Thời điểm năm 2021, xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh là 2 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum
Thời điểm năm 2021, xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh là 2 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum

Chủ trương từ những chuyến đi thực tế

Qua tìm hiểu được biết, có được những khởi sắc đó chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, trong đó dấu ấn lớn của người đứng đầu cấp ủy của tỉnh, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang.

Là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; núi rừng hiểm trở, chia cắt là thành lũy vững chắc để quân và dân hai xã Mường Hoong, Ngọc Linh lập nên nhiều chiến công hiển hách. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào DTTS nơi đây luôn đoàn kết, nỗ lực lao động sản xuất. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, dẫn đến kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ nghèo ở mức cao.

Ngay từ khi nhận công tác tại tỉnh Kon Tum năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đã chọn xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei là một trong những điểm đến thăm đầu tiên. Vì đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có tiềm năng phát triển các loài dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, Đẳng sâm nhưng là 02 xã thuộc diện nghèo nhất tỉnh. 

Thời điểm năm 2021, xã Mường Hoong có 399 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 47,5%; 150 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 17,8%; thu nhập bình quân đầu người chỉ 18,3 triệu đồng/người/năm. Xã Ngọc Linh có 566 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 76,5%; 47 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,6%; thu nhập bình quân đầu người chỉ 25 triệu đồng/người/năm.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (ngoài cùng bên phải) thường xuyên xuống từng thôn kiểm tra công tác giúp đỡ các hộ đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh phát triển sản xuất
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (ngoài cùng bên phải) thường xuyên xuống từng thôn kiểm tra công tác giúp đỡ các hộ đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh phát triển sản xuất

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang chia sẻ: Sau khi đi thực tế ở cơ sở, ông cùng  tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, việc lãnh đạo, chỉ đạo để sớm đưa 02 xã Mường Hoong, Ngọc Linh thoát nghèo, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, là nhiệm vụ yêu cầu cấp thiết đặt ra. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất ban hành Quyết định số 262-QĐ/TU, ngày 02/11/2021, thành lập Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giúp đỡ các xã Mường Hoong, Ngọc Linh phát triển kinh tế - xã hội, có nhiệm vụ tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra những chủ trương, giải pháp; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại 2 xã này.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn thăm, tặng quà và động viên các hộ đồng bào DTTS ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn thăm, tặng quà và động viên các hộ đồng bào DTTS ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong

Sau khi được thành lập, Tổ công tác 262 đã chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền huyện Đăk Glei và các xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh để tiến hành khảo sát thực tế, rà soát, đánh giá về thực trạng tình hình kinh tế - xã hội tại các xã, từ đó xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể, chi tiết của từng năm và của cả giai đoạn 2022-2025.

Trọng tâm, là đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại địa phương; đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã và thôn nông thôn mới; đẩy mạnh việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, huy động các nguồn lực để hỗ trợ công tác xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh; tham mưu thành lập 22 Tổ phụ trách 22 thôn của 02 xã theo hướng bám sát cơ sở để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để khơi dậy khát vọng thoát nghèo, phát triển kinh tế của đồng bào DTTS nơi đây, Tổ công tác 262 đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ thôn, xã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. Khi hệ thống chính trị vào cuộc, người dân thấu hiểu và đồng lòng, là lúc chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chương trình hành động của Tổ công tác 262 đi vào thực tiễn.

Các thành viên Tổ công tác 262 kiểm tra mô hình hỗ trợ đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh trồng lúa nước 2 vụ
Các thành viên Tổ công tác 262 kiểm tra mô hình hỗ trợ đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh trồng lúa nước 2 vụ

Bà Y Bia, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Cán bộ tỉnh, huyện, xã quan tâm đến đồng bào DTTS ở thôn Làng Mới rất nhiều. Xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm và hướng dẫn để bà con biết cách sản xuất, chỉnh trang lại vườn nhà, giúp bà con xây dựng nhà mới. Từ đó, bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết trồng lúa nước 2 vụ, trồng chăm sóc cây cà phê và cây dược liệu.

Với phương châm cầm tay chỉ việc, Tổ công tác 262 đã giúp đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh tự tin hơn trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Hàng trăm hộ đã tham gia tái canh, trồng mới cà phê xứ lạnh, trồng lúa 2 vụ. Đến nay, xã Mường Hoong có trên 166ha cà phê, 388ha lúa nước sản xuất 2 vụ, gần 1.700 con gia súc, trên 87 ha rau các loại và gần 10 ha Sâm Ngọc Linh. Xã Ngọc Linh có trên 142ha cà phê, gần 25ha sâm Ngọc Linh, hơn 21ha cây ăn quả và 65ha nước sản xuất 2 vụ.

Cây Hồng đẳng sâm giúp đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống
Cây Hồng đẳng sâm giúp đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống

Anh A Hạ, thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Trước đây trồng cà phê thì tôi không có bón phân, được nhiêu trái thì hái thôi. Nhờ có cán bộ nông nghiệp lên tập huấn và chỉ dẫn cách tái canh, chăm sóc cà phê và gia đình làm theo thì cây cà phê rất tốt, cho nhiều trái. Ngoài ra, nguồn thu nhập thêm từ trồng các loại cây dược liệu đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. 

Khó khăn lớn nhất của hai xã Mường Hoong và Ngọc Linh trong nhiều năm qua, đó là không đủ nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị tỉnh Kon Tum và sự giúp sức của lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từ năm 2022 đến nay đã xóa được 253 nhà tạm, nhà dột nát, giúp đồng bào DTTS có nơi ở ổn định, an tâm lao động sản xuất.

Ông A Bia, thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei cho biết: Tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ cho tôi làm nhà, tôi rất cảm ơn. Nếu như không có sự hỗ trợ này thì tôi không làm nhà thế này được.

Khởi sắc Mường Hoong, Ngọc Linh

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhiều lần trực tiếp xuống thôn, làng để kiểm tra, nắm tình hình, động viên, chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới. Đến nay,  tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại 02 xã Mường Hoong, Ngọc Linh đã có chuyển biến tích cực. Bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ nét, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư và ngày càng khang trang. 

Các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp được quan tâm bảo tồn và phát huy; các hủ tục, phong tục không còn phù hợp đã được xóa bỏ. Nhận thức của người dân tại xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh đã được nâng lên, nhiều người dân đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh A Nâm (bên trái), thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei có cuộc sống khá giả nhờ trồng sâm Ngọc Linh
Anh A Nâm (bên trái), thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei có cuộc sống khá giả nhờ trồng sâm Ngọc Linh

Cầm trên tay củ sâm Ngọc Linh giới thiệu cho khách mua, anh A Nâm, thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Với sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã, đời sống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây bước sang trang mới, không còn nghèo, khó khăn như trước. Như nhà tôi đến nay trồng gần 3.000 cây sâm Ngọc Linh, 3 sào cà phê, nuôi cá và trồng thêm rau trong vườn. Thu nhập mỗi năm cũng hơn 100 triệu đồng.

Các chính sách giảm nghèo được thực hiện kịp thời, đồng bộ, tỷ lệ giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Xã Mường Moong cuối năm 2021 có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 47,5%, thì đến cuối năm 2023 chỉ còn 25,49%; xã Ngọc Linh cuối năm 2021 có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76,5%, thì đến cuối năm 2023 chỉ còn 30,93%; dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại 02 xã sẽ tiếp tục giảm sâu so với năm 2023. Xã Mường Hoong từ 10/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2022 đến cuối năm 2024 đạt 14/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới và thôn Làng Mới đã được công nhận là thôn nông thôn mới. Xã Ngọc Linh từ đạt 08/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2021 đến cuối năm 2024 đạt 13/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới.

Từ chỗ chỉ trồng lúa nước 1 vụ, giờ đây đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh đã biết cách trồng lúa nước 2 vụ
Từ chỗ chỉ trồng lúa nước 1 vụ, giờ đây đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh đã biết cách trồng lúa nước 2 vụ

Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Trong qúa trình giúp đỡ 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Thường trực Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhiều lần trực tiếp xuống thôn, làng để kiểm tra, nắm tình hình, động viên, chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Tổ công tác 262 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung huy động, bố trí nhiều nguồn lực để giúp 2 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Những khởi sắc của 2 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum hôm nay khẳng định, chủ trương đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, là cơ sở để tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh. Và đây cũng chính là nền tảng, là động lực để đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh tự tin trong hành trình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh quê hương. 

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Sau gần 4 năm huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội và tinh thần vượt khó vươn lên của người dân, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng về kết quả trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện.