Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS từ cây dược liệu: Chế biến sâu - Lời giải cho bài toán nâng cao giá trị (Bài 2)

Trọng Bảo - 14:30, 29/03/2023

Thực tế cho thấy, để nâng cao giá trị cây dược liệu thì chế biến sâu chính là giải pháp căn cơ nhất. Tuy nhiên, hiện nay, việc chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi tỉnh Lào Cai cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp. Có như vậy mới khai thác hết tiềm năng, thế mạnh và giá trị từ loại cây trồng này.

Tỉnh Lào Cai đang tập trung chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”.
Tỉnh Lào Cai đang tập trung chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”.

Chế biến sâu để nâng cao giá trị

Về xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai khi hỏi về HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương hầu như ai cũng biết bởi đây là doanh nghiệp đang có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Anh Nguyễn Tiến Mạnh (dân tộc Giáy) - Giám đốc HTX, đã phát huy truyền thống của gia đình, quyết tâm đi theo nghề thuốc.

Năm 2019, anh Mạnh thành lập HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương. Vượt qua bao khó khăn, đến nay, HTX đã có hàng chục sản phẩm dược tinh chế với 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. HTX đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ gia đình nhờ việc trồng cây dược liệu bán cho HTX.

Từ mô hình của HTX Nông nghiệp - Dược liệu Mạnh Hương cho thấy, các loại dược liệu khi được đầu tư, chế biến sâu thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường sẽ đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, mở ra hướng phát triển bền vững, làm giàu từ cây dược liệu cho đồng bào các DTTS.

Từ trồng dược liệu đến kinh tế dược liệu

Thực tế cho thấy, các tỉnh vùng Tây Bắc có lợi thế, tiềm năng lớn về cây dược liệu, là nguồn cung ứng dồi dào, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các cơ sở chế biến thuốc và dược liệu của cả nước. Nhưng, khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng trồng cây dược liệu còn rất thiếu, chưa đáp ứng quy mô sản xuất lớn, tập trung.

"Với sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ từ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, tỉnh Lào Cai kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược liệu góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý”.

Ông Đỗ Văn DuyGiám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai

Mặt khác, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới của một bộ phận người dân không đồng đều, hạn chế, nên việc sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao gặp khó khăn, đòi hỏi phải đào tạo khá tốn kém...

Do đó, để khai thác, phát triển hiệu quả, bền vững vùng dược liệu, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, với cây dược liệu, mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có 5.000 ha; sản lượng đạt 28.000 tấn với giá trị trên 900 tỷ đồng. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”...

Ông Đỗ Văn Duy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu, tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất các giống dược liệu có năng suất và chất lượng cao...