Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển du lịch từ văn hóa cộng đồng

PV - 11:35, 31/01/2023

Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, tạo nguồn sinh kế mới cho Nhân dân.

Văn hóa cộng đồng là nét đẹp của đồng bào vùng cao Nam Trà My. Ảnh: P.T
Văn hóa cộng đồng là nét đẹp của đồng bào vùng cao Nam Trà My. Ảnh: P.T

Ngôi làng của người Ca Dong

Nằm lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, làng Lê (thôn 2, xã Trà Don) được nhiều người dân, du khách biết đến khi đặt chân tới Nam Trà My. Làng có hơn 40 hộ đồng bào người Ca Dong sinh sống và đến nay, hầu hết bản sắc văn hóa đặc trưng vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.

Làng Lê hình thành từ lâu đời với lối kiến trúc nhà sàn gỗ quen thuộc, được xây dựng theo từng bậc từ chân lên đến lưng chừng núi. Bất kể vị trí nào trong làng cũng có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, đặc biệt là “săn mây” như xu hướng du lịch hiện nay ở nhiều địa phương có địa hình tương tự.

Đời sống của cư dân làng Lê cũng là điểm nhấn với nếp sinh hoạt truyền thống, nhưng vẫn phù hợp với thời đại. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và Nhân dân mà đến nay, hệ thống giao thông ra vào làng Lê khá thuận lợi, đặc biệt vệ sinh môi trường trong làng và ở từng hộ gia đình luôn được bảo đảm.

Làng Lê cũng là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, như lễ hội Tết Máng nước, đâm trâu huê; các món ngon đặc trưng như cơm lam, canh rau doi, thịt gác bếp; cùng với đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống hay sản xuất đặc sản rượu cần nức tiếng gần xa...

Theo già Hồ Văn Cầu, điều cốt lõi giúp làng Lê giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp của  qua bao đời là ở tinh thần đoàn kết cộng đồng, trong đó có sự dẫn dắt của các vị già làng. Họ chính là cầu nối giữa các thế hệ, cũng chính là kho tàng văn hóa quý báu của người Ca Dong ở Trà Don nói riêng và cộng đồng Ca Dong nói chung.

“Làng Lê hiện có một vị già làng, một vị phó già làng, bên cạnh đó, số người cao tuổi trong làng nhiều so với những nơi khác. Mỗi vị đều có kiến thức phong phú về văn hóa, tín ngưỡng địa phương, đồng thời uy tín trong cộng đồng rất cao vì biết nêu gương trong lao động cũng như đời sống sinh hoạt hằng ngày”, già Cầu nói.

Già làng là cầu nối giữa các thế hệ, là kho tàng văn hóa quý báu của người Ca Dong. Ảnh: P.T
Già làng là cầu nối giữa các thế hệ, là kho tàng văn hóa quý báu của người Ca Dong. Ảnh: P.T

Tạo đà cho du lịch

Làng Lê là một trong số những ngôi làng đặc trưng thể hiện trọn vẹn đời sống kinh tế, nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người DTTS ở vùng cao Nam Trà My.

Bên cạnh đó có thể kể đến các làng như Cheng Tông, Lâng Loang (người Xơ Đăng, xã Trà Cang), Tắk Lang, Tắk Ngo, Kon Ping (người Xơ Đăng, xã Trà Linh), Bằng La (người Mnông, xã Trà Leng)… Mỗi ngôi làng mang một bản sắc của của cư dân ở đó, là dấu ấn, cơ sở để phát huy tiềm năng du lịch từ cộng đồng, mang lại thu nhập cho người dân.

Trà Cang là một trong số những xã tích cực ở Nam Trà My trong công tác bảo tồn văn hóa, duy trì nếp sống lành mạnh trong cộng đồng thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Có thể kể đến như thành công từ Hội thi cồng chiêng, hát ting ting và làm sản phẩm nghề truyền thống hồi cuối tháng 8/2022, hay lễ hội Tết Máng nước diễn ra từ ngày 3 - 5/1 tại làng Cheng Tông (thôn 1). Đây sẽ là bước khởi đầu để các cấp ngành định hình, nhận diện lại các giá trị văn hóa của địa phương nhằm có kế hoạch bảo tồn, khai thác.

Theo ông Phạm Văn Thương - Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Nam Trà My, bên cạnh khai thác thế mạnh về tự nhiên với nhiều danh thắng nổi bật, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào DTTS. Qua đó, từng bước đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân, hướng đến phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

“Chúng tôi đã hỗ trợ các địa phương kinh phí mua sắm cồng chiêng, mỗi xã 1 bộ gồm 10 nhạc cụ, đồng thời mời nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng cho Nhân dân. Bên cạnh đó, phân bổ kinh phí và phối hợp tổ chức phục dựng Lễ Tết Máng nước tại làng Lê, xã Trà Don với kinh phí gần 140 triệu đồng và gần nửa tháng làm công tác chuẩn bị. Đây là nỗ lực rất lớn nhằm phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương”, ông Thương nói.