Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mùa ngọt gừng

Phạm Việt Thắng - 09:23, 08/02/2021

Cái rét căm căm ở lưng chừng Phu xai lai leng, nơi có độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển như bị đẩy lùi bởi những nương gừng nồng cay đang vào độ thu hoạch. Gừng xóa nghèo, gừng làm nhà, gừng mua xe… và gừng đang là cây làm giàu.

Bà con nông dân Huổi Tụ - Kỳ Sơn chăm sóc cây gừng. Ảnh minh họa
Bà con nông dân Huổi Tụ - Kỳ Sơn chăm sóc cây gừng. Ảnh minh họa

Gừng xóa nghèo, gừng làm giàu

Ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hào hứng hẳn lên khi nói về diện tích trồng gừng tăng đều hằng năm. Không cần sổ sách, ông Chủ tịch trẻ đọc vanh vách: Năm nay toàn xã có đến 379ha gừng. Thấp nhất, mỗi ha cũng cho 14 tấn củ. Nếu tính theo giá cận Tết năm ngoái là 25.000 đồng/kg, thì mỗi ha gừng thu về 300 triệu đồng.

“Xã mình có gần 400ha gừng, nhà báo thử tính xem, tổng số tiền là bao nhiêu. Nhiều lắm đó”, Chủ tịch xã Mùa Bá Giờ hào hứng nói. Cũng chính ông Chủ tịch trẻ đã gấp gáp xử lý công việc để dẫn chúng tôi đi “xem mặt gừng”. Ông nói, ở Na Ngoi, toàn gừng là gừng, nhà nhà trồng gừng, người người trồng gừng, gừng giảm nghèo và giờ gừng đang là cây làm giàu.

Buộc Mú là bản trồng nhiều gừng nhất. Gừng Buộc Mú cũng thuộc loại đẹp nhất, củ gừng sáng, da trơn, không như gừng nơi khác. Chính vì thế mà gừng Buộc Mú bao giờ cũng có giá cao hơn.

Trưởng bản Buộc Mú Xồng Bá Lẩu còn rất trẻ. Cậu tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhưng lại về quê lập nghiệp với cây gừng. Lẩu cho biết, Buộc Mú có 95 hộ dân, thì gần như nhà ai cũng trồng gừng. Năm nay, diện tích trồng gừng của Buộc Mú là 52ha. Từ ngày Lẩu làm Trưởng bản, bà con không còn phải lo đầu ra nữa. Lẩu đã liên kết với người ở TP. Vinh, với HTX Hương Sơn ở thị trấn Kỳ Sơn để thu mua gừng. Và, bà con được hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất tăng lên đáng kể.

“Từ tháng 4 đến tháng 5 là phải thả giống. Cứ mỗi hố khoảng 30cm thì trồng 2 nhánh gừng ở 2 đầu hố. Cho đến khi thu hoạch, bà con chỉ cần làm cỏ vài lần, không cần phải đầu tư thêm gì nữa”, Trưởng bản Xồng Bá Lẩu cho biết.

- Nhà Lẩu trồng nhiều gừng không - tôi hỏi?

- Năm nay vợ chồng mình sinh con nhỏ nên chỉ xuống được 2 tấn giống thôi. Mấy năm trước trồng được nhiều lắm. Sang năm mình sẽ làm nhiều hơn.

Đoạn Xồng Bá Lẩu vỗ tay vào cây cột gỗ của căn nhà vừa cất mà rằng, nhà này cũng do trồng gừng, xe máy cũng do trồng gừng mà có đấy. Nhà nào trồng được nhiều gừng thì vui lắm. Ở Buộc Mú, chỉ còn mấy hộ già cả là hơi khó khăn, còn lại bà con đều không phải lo cái đói nữa đâu.

Lãnh đạo xã Na Ngoi “xem mặt gừng” trước vụ thu hoạch.
Lãnh đạo xã Na Ngoi “xem mặt gừng” trước vụ thu hoạch.

Xem “mặt gừng”

Nương gừng của Lẩu cách nhà chừng 4km. Hôm nay vợ bận nên Lẩu phải ở nhà trông con. Thế mà khi nghe tôi đề xuất được đi “thăm mặt gừng”, Lẩu không ngần ngại ẵm con cùng đi. Trưởng bản không quên mang theo cây cuốc nhỏ, như mặt trăng 18. Lẩu thoăn thoắt giữa những hòn đá lởm chởm, thỉnh thoảng cậu phải dừng lại để chờ tôi. Đến nơi, Lẩu chỉ tay một vòng, nói, đây là nương gừng nhà ta. Tôi như trời trồng, toàn là đất trống, thỉnh thoảng một vài hòn đá trồi lên để mấy cây dương xỉ bám rễ. Gừng đâu? Trưởng bản Lầu nhìn tôi, cười như chọc quê. “Đến khi củ gừng già đi, cây nó héo dần rồi rục xuống, chết hết. Khi không còn một lá gừng nào trên mặt đất nữa là đã đến lúc thu hoạch được rồi. Dưới lớp đất này là gừng, là tiền, rất nhiều tiền đấy”, Lẩu giảng giải cặn kẽ.

Vừa nói, Lẩu vừa xới những nhát cuốc điệu nghệ đến mức không một củ gừng nào bị sứt mẻ. Thả cuốc xuống là gừng trồi lên, không một nhát cuốc nào mà không có mấy củ gừng theo lên. Có những gốc phải đến cả kg gừng.

Gạt đi lớp đất mỏng, những củ gừng hiện ra, tôi xuýt xoa, gừng đẹp quá. Lẩu hãnh diện: Có thế thì gừng Kỳ Sơn ta mới được cấp Chỉ dẫn địa lý chứ!

Năm nay gừng Kỳ Sơn được giá nên bà con phấn khởi hơn. Ảnh minh họa
Năm nay gừng Kỳ Sơn được giá nên bà con phấn khởi hơn. Ảnh minh họa

Tuy không nhiều gừng như Buộc Mú, nhưng gừng của bản Tổng Khư cũng nức tiếng về độ cay, tinh dầu nhiều. Trưởng bản Lầu Giống Mà cho biết, bà con rất hào hứng với cây gừng, vì không phải đầu tư nhiều, lại cho thu nhập cao. Nhà ông chỉ hai vợ chồng già mà vẫn xuống được 1 tấn giống, vị chi là nửa ha. Còn nhà anh Mùa Bá Cu, mùa gừng năm nay dự kiến sẽ không bán, mà để làm giống cho mùa tới, vì sang năm các cháu học xong, nhiều người thì sẽ trồng được nhiều gừng.

Rời nương gừng của Lẩu, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Luân, Giám đốc HTX Hương Sơn, cũng đang đi thăm “mặt gừng” để chuẩn bị thu mua. Ông cho biết, dù gừng Na Ngoi có đắt hơn các nơi khác nhưng khách rất chuộng. Dự kiến năm nay HTX sẽ mua trên dưới 1.000 tấn gừng. Thị trường cung cấp của HTX là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, để họ xuất khẩu. “Từ ngày gừng Kỳ Sơn được cấp Chỉ dẫn địa lý thì giá cả tăng lên vùn vụt. Thời điểm cao nhất tới 45.000 đồng/kg mà vẫn không có hàng để mua. Hiện HTX cũng chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế, chưa trực tiếp xuất khẩu được. Nếu xuất trực tiếp sang các nước Tây Á, chắc chắn gừng Kỳ Sơn còn có giá cao hơn nữa”, ông Luân cho hay.

“Xuất khẩu trực tiếp”, lời của Giám đốc Luân cứ văng vẳng bên tai. Và chuyến thăm “mặt gừng” ở Phu xai lai leng cho tôi vững tin, nếu con đường xuất khẩu trực tiếp được mở, chắc chắn Kỳ Sơn sẽ thêm nhiều mùa ngọt gừng!