Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mô hình tránh hạn hiệu quả của nông dân Tây Nguyên

Lê Hường - 14:00, 01/06/2020

Để chống hạn, một số nông dân ở Tây Nguyên đã tự tìm ra cách tích trữ nước, đó là đào ao lót chống thấm để tích nước, kết hợp tưới nước tiết kiệm. Đây là giải pháp hiệu quả để ứng phó thời tiết biến đổi ngày càng khắc nghiệt.

Nông dân chủ động được nguồn nước tưới nhờ ao chống thấm
Nông dân chủ động được nguồn nước tưới nhờ ao chống thấm

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil cho biết: Đăk Gằn, được xem là “rốn” hạn tỉnh Đăk Nông. Toàn xã có hơn 7.600ha cây trồng, chủ yếu cây công nghiệp, cây ăn trái. Xã có 3 công trình thủy lợi, dung tích trữ nước không lớn, nên ngay từ cuối tháng 2 các hồ đã cạn khô. Tuy nhiên, có nhiều nông dân trên địa bàn đã tìm ra cách để ứng phó với hạn hán. Như ở thôn Tân Lợi, toàn thôn hiện có 334ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cây trồng chủ yếu là cà phê và một số loại cây ăn quả. Mấy năm trở lại đây, nhiều hộ dân thôn Tân Lợi chủ động trữ nước trong ao, bảo đảm tưới cho cây trồng. 

 Điển hình như ao chống thấm rộng hơn 70m2 của gia đình ông Tịnh Ngọc Hải, đến thời điểm này vẫn còn nước tưới. Ông Hải cho biết: Ao này làm từ đầu năm 2017, với kinh phí hơn 80 triệu đồng. Ao được dùng bạt khổ lớn lót ở bề mặt đáy để chống thấm. Bơm nước từ hệ thống giếng khoan để tích trữ và tưới. Có ao trữ nước, gia đình ông chủ động đầu tư sản xuất, không lo hạn nữa.

Tương tự, xã Ea Sin, huyện Krông Buk (Đăk Lăk) có 5.000ha cây trồng các loại. Toàn xã có 5 hồ đập, công trình thủy lợi thường xuyên bị khô cạn. Tuy nhiên, nhờ chủ động tích trữ nước trong ao chống thấm mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Sin đã hạn chế được thiệt hại do hạn hán, năng suất cây trồng ổn định. 

Với ưu điểm làm đơn giản, thời gian thi công ngắn, kinh phí xây dựng thấp, thời gian sử dụng được 5 - 10 năm… mô hình tích trữ nước này đang được nhiều nông dân trong khu vực thực hiện. Đây là mô hình ứng phó thiên tai có thể nhân rộng ra các địa bàn khác.