Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng: Mục tiêu không chỉ giải quyết vấn đề thu nhập cho hộ nghèo

Vân Khánh - CĐ - 11:41, 28/10/2021

Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 đã đạt được những kết quả tích cực. Những mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng được thí điểm tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đã cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đang là thách thức trong phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đang là thách thức trong phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh minh họa)

Khởi sắc nông thôn vùng sâu

Trước đây, Long Hiệp được xem là xã vùng sâu nghèo nhất của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Là xã thuần nông với 86,27% dân số là đồng bào Khmer, trong một thời gian dài, đời sống người dân rất khó khăn, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em còn tương đối phổ biến.

Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, tháng 3/2021, Long Hiệp đã được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Cái mới của vùng nông thôn ở Long Hiệp không chỉ là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ mà là các chỉ số về kinh tế - xã hội đã được nâng lên rõ nét. Tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người của Long Hiệp đạt 51,75 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9% (74 hộ nghèo).

Khởi sắc vùng nông thôn ở Long Hiệp còn được thể hiện ở tư duy sản xuất nông nghiệp đã thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa; thể hiện ở tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã được cải thiện (hiện tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ em của xã chỉ còn dưới 3%)… Một trong những nhân tố góp phần làm thay đổi vùng nông thôn của xã Long Hiệp là mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng, vốn thực hiện từ Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025.

Bà Trần Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Long Hiệp cho biết, năm 2019, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã thực hiện thí điểm mô hình “Nuôi gà đẻ trứng và trồng rau ăn lá” ở xã Long Hiệp, với tổng chi phí khoảng 436 triệu đồng. Theo đó, 36 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở 3 ấp: ấp Chợ, Trà Sất A, Trà Sất B tham gia mô hình này (mỗi ấp 12 hộ).

Sau thời gian triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ cải thiện về thu nhập, dinh dưỡng cho bữa ăn mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Qua mô hình nuôi gà, hiện bà con đã biết chăn nuôi theo kỹ thuật, tiêm chủng vắc xin, thuốc điều trị bệnh tính toán được lợi nhuận trong chăn nuôi.

Gia đình chị Thạch Thị Ngọc Minh, ở ấp Trà Sất A là một trong 36 hộ tham gia mô hình. Chị cho biết, trước đây chị chưa có kinh nghiệm nuôi gà. Tham gia mô hình, chị được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn cẩn thận nên đàn gà nhà nuôi phát triển khỏe mạnh. Đàn gà không chỉ giúp gia đình chị có thêm nguồn thu mà còn cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày từ thịt và trứng.

Đời sống được nâng lên nên người dân trong xã, cũng tích cực tham gia các phong trào xã hội tại địa phương, nhất là trong xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2018 - 2020, toàn xã Long Hiệp có 1.589 hộ đóng góp 461 triệu đồng để xây dựng hệ thống đèn đường thắp sáng trên địa bàn các ấp; 79,24% hộ trong xã tự cải tạo vườn tạp,chỉnh trang hàng rào bằng cây xanh và cắt tỉa nhánh cây gọn gàng, không cản trở giao thông, xây dựng đèn đường chiếu sáng, trồng tuyến đường hoa, bố trí thùng rác…

Nhân rộng mô hình

Mô hình “Nuôi gà đẻ trứng và trồng rau ăn lá” ở xã Long Hiệp là một trong 3 dự án thuộc Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thí điểm triển khai trong năm 2019. Trong năm 2020, Bộ NN&PTNT đã mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn; đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện, nâng tổng số mô hình lên thành 19.

 Mô hình chăn nuôi gà từ chương trình “Không còn nạn đói” ở thôn K8, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh TL)
Mô hình chăn nuôi gà từ chương trình “Không còn nạn đói” ở thôn K8, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh TL)

Như tại huyện Trà Cú, từ thành công ở xã Long Hiệp, năm 2020, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh,  tiếp tục phân bổ cho huyện 500 triệu đồng để thực hiện mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng “Nuôi vịt thịt và trồng rau ăn lá” tại xã Ngãi Xuyên. Bên cạnh đó, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT cũng đã phân bổ cho Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh 400 triệu đồng, để thực hiện mô hình “Nuôi gà đẻ trứng và trồng rau ăn lá” tại xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú.

Đáng chú ý là, các mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng được đầu tư trên cơ sở lựa chọn xuất phát từ nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện của địa phương nên đa số các hạng mục thực hiện đều mang mang lại hiệu quả khá cao. Như tại năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, triển khai dự án “Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp với trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân” gắn với Chương trình “Không còn nạn đói” tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. Sau 3 tháng nuôi và chăm sóc trọng lượng gà đạt trên 1,6kg/con, mỗi hộ thu 88-110kg thịt gà hơi thương phẩm và có rau bí, quả bí đỏ để bù đắp sự thiếu hụt và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bên liên quan triển khai giai đoạn 1, là giai đoạn thí điểm xây dựng các mô hình để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp. 

Từ các mô hình này, sẽ giúp hoàn thiện cơ chế chính sách và hoàn thiện các tài liệu để ban hành và hiện nay các tài liệu đã xong và phát hành. Từ 19 mô hình “Không còn nạn đói” triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, Ban Chỉ đạo sẽ hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách thực hiện Chương trình ở diện rộng trong giai đoạn 2021 - 2025, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và hướng dẫn nông dân sử dụng, chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp dinh dưỡng cho người dân.

Theo ông Thịnh, tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh nạn đói lương thực còn có nạn đói về dinh dưỡng, mà đói dinh dưỡng là vấn đề mang tầm chiến lược. Do đó, Chương trình “Không còn nạn đói” đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể để giải quyết vấn đề này. Nó không đơn thuần là việc lấy thu nhập và mức sống của người dân làm thước đo kết quả. 

Tại các mô hình, các đơn vị đã phối hợp để xác định tình trạng dinh dưỡng của người dân, nhất là trẻ nhỏ. Sau đó, phối hợp với địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, sử dụng và chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ.

“Chúng ta là một nước rất thành công trong việc giảm nghèo, tuy nhiên quan tâm đến vấn đề thể trạng, phát triển thể trạng của những thế hệ từ lúc còn nhỏ cho đến trưởng thành với những mục tiêu rất quan trọng. Do vậy, Chương trình “Không còn nạn đói” phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và bắt kịp xu thế thế giới”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.