Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Nam: Đề xuất tiếp tục mở rộng mô hình “Không còn nạn đói”

Vân Khánh - CĐ - 09:03, 27/10/2021

Triển khai Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” theo Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam) bước đầu có thêm kiến thức phát triển kinh tế, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn gia đình.

Điều kiện kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Quảng Nam còn rất cao (Ảnh minh họa)
Điều kiện kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Quảng Nam còn rất cao (Ảnh minh họa)

Tại tỉnh Quảng Nam, Dự án chăn nuôi gắn với Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” được triển khai duy nhất tại thôn K8 và Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang). Dự án do Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm Đà Nẵng (thuộc Bộ NN&PTNT) thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12/2020.

Dự án đã hỗ trợ trực tiếp 30 hộ đồng bào Cơ Tu, với hơn 2.500 con giống vịt xiêm nuôi lấy thịt và lấy trứng; hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và tổ chức cho người dân tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi chuồng trại...

Sau thời gian tham gia chăn nuôi vịt theo mô hình chuồng trại, rất nhiều hộ đồng bào Cơ Tu đã bước đầu hình thành thói quen mới, đảm bảo việc chăm sóc vật nuôi có khoa học. Phương thức chăn nuôi này, không chỉ giúp người dân tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi đạt hiệu quả, mà còn thay đổi cách nghĩ từ “nuôi để ăn” sang nuôi để làm kinh tế.

Tuy nhiên, do Dự án kết thúc vào cuối năm 2020, đến nay vẫn chưa được triển khai trở lại. Trong khi thói quen chăn nuôi mới vẫn chưa có độ phủ, lan tỏa sang các hộ ngoài mô hình. Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung tại thôn K8 và Bhờ Hôồng vẫn chưa được chú trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi ở trẻ còn cao, có khoảng 75% số trẻ có chế độ ăn chưa đáp ứng về độ đa dạng thực phẩm. 

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và đồng bào mong muốn, Chính phủ sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ, giúp các hộ dân khó khăn khác sớm được tiếp cận mô hình chăn nuôi theo phương thức mới trên.