Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tín hiệu tích cực từ một mô hình của chương trình “Không còn nạn đói”

Trang Diệp -CĐ - 14:22, 20/10/2021

Tại xã Điềm He (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng mô hình trồng cây bí đỏ dinh dưỡng gắn theo tinh thần, mục tiêu của chương trình “Không còn nạn đói”. Mô hình này đang được kỳ vọng góp phần giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo.

Trồng bí đỏ giúp cải thiện dinh dưỡng, đồng thời tăng thu nhập cho người dân xã Điềm He.
Trồng bí đỏ giúp cải thiện dinh dưỡng, đồng thời tăng thu nhập cho người dân xã Điềm He.

Mô hình trồng cây bí đỏ mật và bí đỏ số 2, tại Điềm He có quy mô 15 ha, với 51 hộ tham gia, trong đó, có 9 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo và 11 hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hộ gia đình có trẻ em dưới 2 tháng tuổi và phụ nữ mang thai… Các hộ tham gia Dự án đã được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bí đỏ, được hỗ trợ giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Thông qua mô hình nhằm phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng để chuyển giao giống rau màu mới, đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm dinh dưỡng, đồng thời thay đổi tập quán canh tác cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn xã.

Đợt 1 của Dự án được triển khai từ tháng 6 đến tháng 12/2020, trên diện tích 7ha. Từ tháng 2/2021, đợt 2 của Dự án đã được triển khai trên 8ha.

Đến nay, có trên 80% diện tích mô hình cây sinh trưởng tốt, tiềm năng năng suất khá. 1 sào trồng 330-350 cây, 1 cây có 1-2 quả. Khối lượng quả hiện tại đạt 2-3 kg/quả, dự kiến thời kỳ thu hoạch khối lượng quả đạt 3-4 kg. Như vậy, 1 sào bí cho năng suất khoảng 800 -1200 kg (30-35 tấn/ha).

Mô hình bí đỏ tại Điềm He, Văn Quan năm 2020 là mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả theo chuỗi giá trị. Việc triển khai mô hình giúp cung cấp nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho những hộ nông dân tham gia mô hình. Sản phẩm dư thừa có thể tiêu thụ tại địa phương thông qua việc gắn kết với một số đơn vị thu mua, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Được biết, Điềm He là xã nghèo 30a, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Toàn xã có 15 thôn thì có 8 thôn đặc biệt khó khăn. Thu nhập của người dân trên địa bàn chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp; do vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hiện chiếm trên 30% tổng toàn xã.