Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lồng ghép nguồn vốn để giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngọc Diệp - 13:42, 06/06/2023

Để triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương trong cả nước đã tăng cường lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, giúp người dân nhanh chóng thụ hưởng chính sách, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế.
Đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế

Hiệu quả từ việc lồng ghép nguồn lực

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ nhà ở đơn sơ, tạm bợ còn cao. Theo thống kê của UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay toàn tỉnh có 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer).

Để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, Sóc Trăng đã lồng ghép các chính sách đầu tư của Chính phủ như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục và đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo...

Trong 2 năm 2021 - 2022, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã huy động, vận động tài trợ từ các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với mức kinh phí ủng hộ trên 174 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn, xây mới 3.500 căn nhà (trong đó, hộ đồng bào Khmer nghèo là 1.300 căn). Mỗi căn nhà có giá trị 50 triệu đồng, bảo đảm đủ tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), giúp người dân có nhà ở ổn định, an tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Thạch Thị Thu, dân tộc Khmer ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: Gia đình bà Thu thuộc hộ nghèo, sống trong căn nhà tạm bợ lúc nào cũng sống trong lo âu, sợ hãi, nhưng vì kinh tế gia đình eo hẹp, nên việc xây nhà là không có khả năng. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nay gia đình đã xây dựng được ngôi nhà vững chắc, khang trang, cuộc sống đi vào ổn định hơn. 

Theo ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ giảm nghèo... Qua đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô, dịch vụ phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Còn tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa luôn xác định công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Để nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, huyện đã đưa chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và Chương trình giảm nghèo bền vững là các chương trình trọng tâm, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, từ năm 2021 đến nay huyện Như Xuân tiếp tục lồng ghép 2 nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng NTM. Các chương trình vẫn được lồng ghép trên cơ sở các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huy động tối đa nguồn lực của địa phương, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững.

Điển hình như gia đình ông Lang Văn Vinh, thôn Hai Huân, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, từ sự giúp đỡ của Nhà nước, gia đình ông đã đưa giống bưởi da xanh và bưởi diễn về trồng. Ngoài được hỗ trợ về giống, phân bón và hướng dẫn cách áp dụng khoa học - kỹ thuật. Gia đình ông cũng được tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, hiện nay, gia đình ông Lang Văn Vinh có hơn 1 ha bưởi, 100 gốc ổi, 3 ha keo, 1 ao nuôi cá, 2 con bò, 1 con trâu.

Ông Lang Văn Vinh cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi, đặc biệt là vốn phát triển kinh tế trồng cây. Hằng năm, trừ các chi phí thì gia đình tôi thu được khoảng 30 - 40 triệu.

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi biên giới Si Ma Cai.
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi biên giới Si Ma Cai

Chủ động lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu

Để triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, trong đó đã quy định chi tiết về nguyên tắc lồng ghép vốn 3 Chương trình MTQG: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo đó, việc lồng ghép vốn không chỉ thực hiện giữa các Chương trình MTQG mà còn được thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án khác để huy động tối đa nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc từng Chương trình MTQG.

Trên cơ sở các nguyên tắc lồng ghép theo Nghị định số 27 của Chính phủ, các địa phương đã chủ động tiến hành xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các Chương trình MTQG. Theo thống kê, trong năm 2022, có 34/63 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG.

Như tại Lào Cai, để triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, tỉnh đã sáp nhập 3 Ban Chỉ đạo của 3 Chương trình MTQG, thành lập 1 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để điều phối thực hiện các Chương trình.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển và mục tiêu nhiệm vụ; UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thực hiện năm 2022 cho từng Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù khác của địa phương, lồng ghép vốn tích hợp chính sách các Chương trình MTQG. Tổng nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 2.726.299 triệu đồng.

Người dân thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai phát triển kinh tế từ cây quýt.
Người dân thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai phát triển kinh tế từ cây quýt

Mặc dù đến giữa năm 2022, Trung ương mới bắt đầu phân bổ vốn để thực hiện các Chương trình MTQG, nhưng Lào Cai đã chủ động huy động nguồn lực để xây dựng NTM. Năm 2021, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM là gần 900 tỷ đồng, trong đó 676 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho chương trình; 117 tỷ đồng vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn; khoảng 100 tỷ đồng vốn huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế khác và người dân…

Theo đó việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch giao như: Tỷ lệ nghèo giảm 5,82%, bằng 129,43% kế hoạch giao. Trong năm 2022 tỉnh Lào Cai có 4 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, vượt 4 xã so với kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên là 62/127 xã.

Có thể thấy việc lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện các chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhưng hiện nay việc triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu theo Nghị định 27 còn một số khó khăn, vướng mắc đang được các địa phương và bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bảo đảm sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, góp phần thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.