Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Long An: Tập trung sản xuất lúa chất lượng cao

Như Lan - 16:21, 07/12/2020

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Long An đã đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, hướng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển giống lúa và vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao (CLC), phấn đấu đạt từ 70 - 75% sản lượng lúa chất lượng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần tăng năng suất cây trồng trên cùng một diện tích.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần tăng năng suất cây trồng trên cùng một diện tích.

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa gieo sạ năm 2020 của tỉnh ước đạt 498.293ha, bằng 98,4% so với năm 2019. Diện tích thu hoạch ước đạt 498.293ha; năng suất cả năm ước đạt 56,2 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so với năm 2019; sản lượng ước đạt 2.800.104 tấn, tăng 25.186 tấn, đạt 103,7% so với kế hoạch (2,7 triệu tấn). Trong đó, lúa CLC ước đạt trên 1,45 triệu tấn. Về cơ cấu giống, hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu gieo sạ các giống: Nếp IR 4625, Đài thơm 8, OM 4900, Nàng Hoa 9, IR 50404, OM 5451, OM18, RVT, ST24, ST25,...

Tân Hưng là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh. Thế nhưng, tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn là điệp khúc đối với nông dân. Những năm gần đây, xu thế thị trường ngày càng ưa chuộng các loại gạo có chất lượng cao. Vì vậy, chính quyền và người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa nhằm tìm một hướng đi mới mang lại hiệu quả bền vững hơn. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ chia sẻ, địa phương xây dựng thành công cánh đồng lớn với diện tích gần 2.000ha, liên kết với doanh nghiệp thu mua. Cùng với đó, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay.

Tại huyện Vĩnh Hưng, từ năm 2017, UBND huyện đã chọn 6 xã: Khánh Hưng, Hưng Điền A, Vĩnh Trị, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình và Thái Bình Trung xây dựng vùng lúa CLC, ứng dụng công nghệ cao. Để đạt hiệu quả theo kế hoạch đề ra, UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều chính sách khuyến khích người dân tham gia vùng lúa ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, đến nay, huyện đã thực hiện được 5.473ha lúa CLC, trong đó triển khai 43 mô hình và 3 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, huyện còn là “cầu nối” giúp người dân tìm đầu ra cho sản phẩm lúa CLC, tham gia xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện,...

Việc đưa các giống lúa mới vào gieo trồng giúp tăng năng suất, chất lượng và giá thành lúa
Việc đưa các giống lúa mới vào gieo trồng giúp tăng năng suất, chất lượng và giá thành lúa

Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Năm 2020, mặc dù không được tiếp tục hỗ trợ để thực hiện mô hình như những năm trước nhưng HTX vẫn tiếp tục tự thực hiện với quy mô 200ha. Nhìn chung, năng suất cao hơn ngoài mô hình khoảng 300kg/ha, chi phí sản xuất giảm bình quân 1 triệu đồng/ha, lúa được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 100 - 200 đồng/kg, lợi nhuận bình quân cũng cao hơn những diện tích lân cận khoảng 2,5 triệu đồng/ha”.

Song song đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tích cực quan tâm, triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm khuyến khích người dân sử dụng những giống lúa mới, giống lúa xác nhận CLC. Nhờ vậy, tỷ lệ sử dụng giống lúa CLC tăng dần theo từng năm, cụ thể, năm 2015 là 60% và hiện nay tăng lên trên 80%.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Long An tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về nông nghiệp sinh thái, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng nông sản; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Trạm bơm điện, trạm biến áp, nạo vét kênh, mương nội đồng,... Đồng thời, Sở nghiên cứu và bố trí lịch thời vụ hợp lý cho từng địa phương, phân tích cụ thể về cơ cấu giống cho nông dân, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến từng hộ nông dân. Ngoài ra, Sở chủ động phối hợp các ngành liên quan để có giải pháp cụ thể, sẵn sàng ứng phó với hạn, mặn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình phát triển vùng lúa CLC của tỉnh Long An vẫn tồn tại nhiều hạn chế như nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu, nhất là giao thông đường bộ không bảo đảm cho vận chuyển lúa gạo của các doanh nghiệp, chủ yếu là vận chuyển bằng đường thủy, sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa còn gặp khó khăn, nhiều nông dân còn sản xuất nhỏ, lẻ, còn tâm lý e ngại tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đầu ra của hàng hóa nông sản chưa ổn định. Giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có chính sách hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro để hợp tác làm ăn lâu dài,...

Các trạm bơm điện được đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất.
Các trạm bơm điện được đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất.

Để thực hiện vùng lúa CLC đạt kế hoạch, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Long An tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân; xây dựng và củng cố, kiện toàn các tổ chức đại diện của nông dân như tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tại từng cánh đồng nhằm liên kết hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả, bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất bao gồm hệ thống kênh, đê bao lửng, trạm bơm điện, cống điều tiết, giao thông, điện; tiếp tục mời gọi thêm các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp liên kết đầu tư đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân.

(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)