Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải pháp để phát triển bền vững cây bưởi ở miền núi phía Bắc.

Như Lan - 10:35, 18/11/2020

Ngày 18/11, tại Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, với chủ đề giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi. Diễn dàn đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển bền vững cây bưởi ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm bưởi và trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại diễn đàn.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm bưởi và trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại diễn đàn.

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, diện tích bưởi cả nước đạt 97,9 nghìn ha, sản lượng 818,9 nghìn tấn, xuất khẩu đạt gần 4,8 triệu USD, trong 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu bưởi tăng mạnh, đạt 10,9 triệu USD, tăng 246,2% so cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đạt 27,7 nghìn ha, sản lượng gần 165 nghìn tấn/năm.

Việt Nam hiện có trên 157 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, hộ gia đình. Công suất thiết kế của các cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm, nhưng sản lượng thực tế chỉ đạt khoảng trên 600 - 700 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Hiện, chế biến quả có múi nói chung và bưởi nói riêng của nước ta còn rất hạn chế, chưa có doanh nghiệp chuyên chế biến quả có múi, dòng sản phẩm chủ yếu là quả tươi, một phần nhỏ được chế biến nước cam, bưởi tươi, nước cam cô đặc, mứt, cùi cam bưởi sấy, rượu vang... với số lượng nhỏ và chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Với sản phẩm xuất khẩu, Việt Nam mới thực hiện các công đoạn như: Phân loại, làm sạch bên ngoài (công nghệ ướt, công nghệ khô), đóng gói, bao lưới, bảo quản trong kho lạnh và xuất hàng theo yêu cầu của các đối tác.

Thực trạng hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn chưa có giống quả có múi phù hợp cho chế biến; giá thành sản xuất cây có múi giá thành cao, chất lượng và ATTP chưa  bảo đảm, không đáp ứng được yêu cầu cho chế biến quy mô công nghiệp.

Tại Diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp, với chủ đề giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi vừa diễn ra ngày 18/11 tại Tuyên Quang, một số chuyên gia cho rằng, cần thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị bưởi trồng tập trung; Đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch; Xây dựng kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho bưởi xuất khẩu.

Tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do như: EVFTA ưu đãi thuế đối với hầu hết các dòng hàng rau quả từ Việt Nam, để đẩy mạnh tiêu thụ bưởi và các sản phẩm chế biến từ bưởi vào thị trường EU. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước; trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền khi vào mùa thu hoạch rộ...

(Tin thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)