Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Lối tắt” để miền núi tiến kịp miền xuôi

PV - 09:38, 26/10/2020

Trong những năm qua, nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các địa phương đã chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào các mặt của đời sống, góp phần làm chuyển biến mọi mặt vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Người dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai trồng cà chua trong nhà lưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đăng Khoa
Người dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai trồng cà chua trong nhà lưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đăng Khoa

Trong những năm qua, các khu vực DTTS và miền núi thụ hưởng nhiều chương trình KHCN lớn như: Chương trình những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi, vùng DTTS; Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... với nguồn kinh phí khoảng 17% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học của Trung ương. Mỗi vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ đều được thụ hưởng riêng một chương trình KHCN trọng điểm để phân tích, đánh giá những vấn đề đang đặt ra của từng vùng, với kỳ vọng đưa ra quan điểm phát triển, mô hình chuyển giao công nghệ phù hợp. Thậm chí, trong đó có những chương trình KHCN đã được nối dài suốt nhiều năm để tìm hiểu kỹ lưỡng những vấn đề đặc thù của vùng, như Chương trình KHCN trọng điểm Tây Nguyên hiện nay đã có nền tảng từ hai chương trình điều tra nghiên cứu tổng thể về vùng này từ trước những năm 1990.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, sau một thập niên, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ KHCN, các bộ, ngành có liên quan và địa phương, các chương trình, nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đã được triển khai đúng hướng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi; huy động được nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn bó với thực tiễn của địa phương, người dân được hưởng những thành quả do KHCN mang lại.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn, chậm phát triển, vùng dân tộc ít người. Vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS và miền núi thời gian qua đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường; giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Theo thông tin từ Hội thảo “Vai trò của KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”, do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức mới đây, từ năm 2011-2020, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 719 dự án KHCN tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 441 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi. Kết quả đạt được từ các chương trình KHCN khá toàn diện, đã tác động tốt đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, làm chuyển biến mọi mặt vùng DTTS và miền núi. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa được phân phối trên các thị trường, đã có nhiều mô hình ứng dụng KHCN tiên tiến điển hình trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KHCN cho biết: “Các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghiệp, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà đã trực tiếp đóng góp có hiệu quả và làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. KHCN đã hỗ trợ tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các mô hình tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả.

Đặc biệt, việc hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, hình thành các mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của địa phương, giúp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm...”.

Được biết, sau10 năm thực hiện, các nhiệm vụ KHCN thuộc chương trình này đã có 4.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN được hình thành và phát huy hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái của các địa phương vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 3.000 lao động thường xuyên và 9.000 lao động thời vụ; chuyển giao trên 2.300 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng, miền...

Thông qua Chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ, đã xây dựng, phát triển 38 nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho vùng DTTS và miền núi theo chuỗi giá trị (các sản phẩm hoa hồi, na Chi Lăng, chè Shan Tuyết (Sơn La), cà phê Buôn Mê Thuột, hồ tiêu Chư Sê...).