Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khoa học và Công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc: Nhiều ứng dụng đi vào cuộc sống

Minh Thu - 09:38, 04/08/2020

Trong giai đoạn 2013 - 2020, Chương trình Khoa học công nghệ (KHCN) phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Sau 7 năm thực hiện, Chương trình đã chuyển giao cho các địa phương 56 quy trình công nghệ; 42 mô hình thử nghiệm phục vụ sinh kế, phát triển sản xuất…

Công trình xử lý nước tại Trường Mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn
Công trình xử lý nước tại Trường Mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Trước đây, Trường Mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì (Bắc Kạn) rất khó khăn về nguồn nước. Vào mùa khô, nguồn nước hầu như không có. Thầy và trò phải lên tận đầu nguồn, gùi từng xô nước về để sinh hoạt. Không đủ cho nhu cầu của hàng trăm cán bộ, giáo viên, trong suốt 10 năm, nhà trường đã phải mua nước của dân. 

Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp KHCN phù hợp nâng cao hiệu quả các công trình đập dâng vùng Tây Bắc” do Viện Khoa học Thủy lợi thực hiện đã nghiên cứu và triển khai mô hình thử nghiệm công nghệ xử lý các nguồn nước mặt, nước mưa và đề xuất xây dựng mô hình xử lý nước lưu trữ được 300 -500m3. Cùng với thu trữ nước mưa, đề tài đã đưa ra giải pháp xử lý nước ngầm. Mô hình xử lý nước được cho là phù hợp với điều kiện miền núi với thiết bị tích hợp dạng hợp khối, chia tách được 3 - 5 công đoạn khác nhau. 

Với mô hình thử nghiệm này, từ năm 2018, Trường Mầm non Hảo Nghĩa đã có nguồn nước ổn định, tiết kiệm chi phí và hợp vệ sinh. Cô Vũ Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hảo Nghĩa cho biết: “Được thụ hưởng kết quả từ đề tài, cô và trò nhà trường đã có nguồn nước hợp vệ sinh, bảo đảm cho hoạt động dạy và học cũng như sinh hoạt của học sinh lứa tuổi mầm non”.

Cùng với nguồn nước ổn định cho Trường Mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, nhóm nghiên cứu của Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước sinh hoạt bằng công nghệ màng lọc công suất 2.000m3/ngày đêm tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Từ năm 2018 đến nay, hệ thống xử lý nước sinh hoạt bằng công nghệ màng lọc đã giải quyết được vấn đề nước sạch cho khoảng 3.000 người trên địa bàn bằng các giải pháp công nghệ trong thu trữ, xử lý nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng các hệ thống cấp nước theo hướng bền vững. Trong năm 2018, hai hệ thống xử lý nước đã được xây dựng, lắp đặt tại Trung đoàn 877, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang và thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. 

Việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

“Nguồn nước được bảo đảm đã nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo ra những thay đổi tích cực trong lối sống và phong tục tập quán của đại bộ phận đồng bào DTTS”, ông Phạm Xuân Diệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh chia sẻ.

Công trình xử lý nước tại Trường Mầm non Hảo Nghĩa và hệ thống xử lý nước bằng công nghệ màng lọc tại huyện Yên Minh là 2 trong số 56 quy trình công nghệ thuộc Chương trình Tây Bắc đã và đang được triển khai có hiệu quả tại khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cải thiện đời sống đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng.