Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ Rija Nưgar - Nét đẹp văn hóa của đồng bào Chăm

Thúy Hồng-Chu Cường - 09:28, 04/03/2024

Rija Nagar là lễ hội quan trọng đầu năm của người Chăm Bà-la-môn, tỉnh Ninh Thuận. Đây là lễ hội đánh dấu khởi đầu cho chuỗi lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm. Lễ hội Rija Nagar là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Chăm, thể hiện niềm tin vào thế giới tâm linh và mong ước về một cuộc sống sung túc, an khang.

Lễ vật trong Lễ Rịa Nưgar
Lễ vật trong Lễ Rịa Nưgar

Đầu năm khi nghe tiếng sấm rền vang ở phía đông, phía tây là báo hiệu một năm mới của người Chăm sắp đến. Người Chăm bắt đầu tổ chức lễ hội đầu năm Rija Nưgar nhằm cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được sống ấm no hạnh phúc, cũng như tẩy uế những cái xấu xa của năm cũ để đón lấy những điều may mắn trong năm mới. Người Chăm có thành ngữ: Khi nghe tiếng sấm hướng đông - tây/Nhân dân hớn hở mới hòng yên tâm (Bilan than úk thanh ôn/Hamik grum mưnhi gah pur, pai)

Từ tiếng sấm đầu năm đó, người Chăm bắt đầu cắm mốc thời gian cho năm mới, cho lịch pháp. Đó cũng là ngày hội mở đầu năm - mồng Một tháng Giêng lịch Chăm. Kể từ mồng Một cho đến hết thượng tuần trăng tháng Giêng là thời gian mở hội lễ Rija Nưgar. Khắp nơi làng Chăm đều tổ chức lễ hội Rija Nưgar. Đối với làng Chăm Ahiêr thường tổ chức lễ hội Rija Nưgar vào ngày thứ tư, thứ năm và Chăm Awal thì ngày thứ năm, thứ sáu trong tuần và bắt đầu bằng các ngày lẻ (1, 3, 5, 7) trong tháng Giêng.

Lễ hội được tổ chức tại nhà lễ (kajang) ở một bãi đất trống đầu thôn với sự chủ trì của ông Ka-ing (thầy cúng) và thầy vỗ Maduen
Lễ hội được tổ chức tại nhà lễ (kajang) ở một bãi đất trống đầu thôn với sự chủ trì của ông Ka-ing (thầy cúng) và thầy vỗ Maduen

Lễ hội được tổ chức tại nhà lễ (kajang) ở một bãi đất trống đầu thôn với sự chủ trì của ông Ka-ing (thầy cúng) và thầy vỗ Maduen. Xung quanh được che chắn bằng những tấm liếp tre và chỉ mở một hướng ra vào về hướng đông - hướng thần linh.

Khi tiếng trống Ginang, tiếng kèn Saranai vang lên cùng điệu múa khoan thai của ông Ka-ing tạo nên bầu không khí trang nghiêm và náo nhiệt. Lễ vật dâng cúng bao gồm bàn tổ, xôi, chuối, gà, dê và các món ăn truyền thống.

Ở trần nhà lễ Rija Nưgar, trong ngày cúng thứ nhất treo một tấm vải trắng hình chữ nhật gọi là “Lâm tinh” - tượng trưng cho vũ trụ. Bên dưới đối diện với tấm vải là vật lễ “Mưron” - cũng là một tấm vải trắng được cột hai cây gỗ. Và ba cây cột ở đầu nhà lễ đều bao vải trắng. Cách trang trí nhà tương tự như trong không gian thánh đường Hồi giáo - Bàni. Ngày đầu cúng lễ Rija Nưgar là cúng cho “thần mới” (yang brou) như các vị thần Alla, mohamach…; đến ngày hôm sau cúng “thần cũ” (yang bimon - yang aklak) như thần Po Inư Nưgar, Po klaung…

Lễ vật dâng cúng, ngoài gà, dê còn có 5 mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng…
Lễ vật dâng cúng, ngoài gà, dê còn có 5 mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng…

Lễ Rija Nưgar được tổ chức trong hai ngày “một ngày vào và một ngày ra” (vào ngày thứ năm ra ngày thứ sáu - tamư di jip tabiak di suk). Hoặc họ gọi theo cách gọi cúng lễ vật “Ngày vào cúng Gà và ngày ra cúng Dê” (tamư mưnuk tabiak pape). Họ còn gọi theo cách cúng lễ vị thần “tamư Po birâu tabiak Po aklak” (Ngày vào cúng thần mới – thần Hồi giáo và ngày ra cúng thần cũ - thần Bàlamôn).

Lễ vật dâng cúng, ngoài gà, dê còn có 5 mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng… Ngoài ra trên bàn lễ còn có vật lễ quan trọng là lửa - nước. Lễ vật cũng được người Chăm chia làm hai phần âm và dương mà họ thường gọi nôm na theo tên lễ vật chính là “ngày vào buổi chiều - cúng con gà (thuộc âm) và ngày ra buổi sáng - kết thúc lễ là cúng con dê (thuộc dương)”.

Khi tiếng trống Ginang, tiếng kèn Saranai vang lên cùng điệu múa khoan thai của ông Ka-ing tạo nên bầu không khí trang nghiêm và náo nhiệt
Khi tiếng trống Ginang, tiếng kèn Saranai vang lên cùng điệu múa khoan thai của ông Ka-ing tạo nên bầu không khí trang nghiêm và náo nhiệt

Thầy cúng lễ Rija Nưgar gồm có: Thầy Ka in (thầy bóng) mặc áo đỏ múa lễ, đạp lửa, lên đồng phản ánh nguyện vọng của cộng đồng lên thần linh và ngược lại; 3 thầy Mưduôn mặc áo trắng vỗ trống Basanưng hát thánh ca của các vị thần (1 thầy hát chính 2 thầy phụ lễ); 2 nghệ nhân đánh trống Basanưng; 1 nghệ nhân thổi kèn Saranai cùng nhiều thầy cúng lễ và dân làng phụ lễ.  

Người Chăm có tục thờ đa thần. Tất cả làng Chăm đều có hệ thống thần linh chung. Hệ thống thần linh trong lễ Rija Nưgar Chăm bao gồm các vị thần như sau Po Tang, Po Tang Ahok (thần chèo thuyền), Po Gialau (thần rừng trầm, rừng quế), Cey thun, Cey Dalim (Chàng Lựu), Cey Hanim Par, Cey Sit, Cey Pruang (hai hoàng tử), Po Garai phauk, Po Dam (Chàng trai trẻ), Po Riya (thần sóng biển), Nữ thần Po Nưgar (thần mẹ xứ sở), Po Klaung Garai (vua Chăm), Po Rame (vua Chăm), Po patau Bin Thôr, Po Sah Inư, Po Nai, Nai Bia Sôi, Bia Kôn, Bia Nưn, Bia Than Can, Bia Than Cih (Hoàng Hậu)…

Các thầy dâng lễ lên các vị thần
Các thầy dâng lễ lên các vị thần

Lễ Rija Nưgar do thầy Mưduôn (thầy vỗ) làm chủ lễ, vỗ trống Basanưng rót rượu lần lượt mời các vị thần và hát bài thánh ca. Thầy Ka in (thầy bóng) dâng lễ vật và múa phụ hoạ theo nhịp trống Basanưng, trống Ginăng, kèn Saranai. Mỗi vị thần được mời về dự thì thầy Ka in (thầy bóng) có một điệu múa riêng, có một sắc phục và đạo cụ riêng.

Hầu hết những bài thánh ca đều được rút ra từ những huyền thoại, sự tích, truyền thuyết, tiểu sử (Damnưi) của các vị vua (Po), hoàng hậu (Bia), tướng lĩnh (Cey)… Nhưng trong lúc hành lễ tùy theo thời gian, tâm trạng, tính cách, công lao của các vị thần mà Mưduôn (thầy vỗ trống), hoặc Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) xướng lên nhiều hay ít.

Các nghệ nhân thổi kèn Saranai và múa lễ
Các nghệ nhân thổi kèn Saranai và múa lễ

Lễ Lúc thầy Mưduôn hát thì thầy Ka in cầm roi ngựa múa nhảy theo nhịp trống và tiếng reo hò của người dự lễ. Thầy Ka in (thầy bóng) ngây ngất trong điệu múa và nhập đồng. Đến lúc thăng hoa thầy Kain (thầy bóng) cầm roi ngựa múa, nhảy phi vào đạp tắt đống lửa đang rực cháy trước rạp lễ trong tiếng hò reo của mọi người. Năm nào thầy bóng lên đồng dập tắt đống lửa thì năm đó dân tin rằng mưa thuận gió hoà. Vì lửa tượng trưng cho nắng nóng, khô hạn. Dập tắt đống lửa trong lễ hội Rija Nưgar là tiễn đưa được cái khô hạn, nắng nóng ra đi và đem lại khí trời mát mẻ, mưa thuận gió hoà cho dân làng cày cấy, hội Rija Nagar diễn ra trong thời điểm chuyển giao giữa mùa khô với mùa mưa như một hình thức cầu mưa. 

Đời sống người Chăm, gắn liền với các hoạt động nông nghiệp, với ruộng đồng từ nhiều đời nay. Do đó, lúc nào họ cũng khát khao cho khí trời thuận lòng người, cầu trời cho mưa rơi xuống, đất đai tươi tốt để có được vụ mùa bội thu.

Năm nào thầy bóng lên đồng dập tắt đống lửa thì năm đó dân tin rằng mưa thuận gió hoà
Năm nào thầy bóng lên đồng dập tắt đống lửa thì năm đó dân tin rằng mưa thuận gió hoà

Lễ hội Rija Nagar là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người Chăm kết hợp với nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc làm cho không khí của năm mới tràn đầy phấn khởi và vui vẻ. Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm.