Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lạng Sơn: Nhiều tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh

Thiên An - 23:12, 16/03/2022

Ngày 16/3, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có: Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Tổng cục Lâm nghiệp; lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn.

Tại Hội thảo, ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, cây mắc ca được Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đưa vào trồng khảo nghiệm ở Lạng Sơn từ những năm 2003 - 2006. Từ năm 2019 đến nay, diện tích trồng mắc ca tăng nhanh ở 10/11 huyện, thành phố. Một số công ty, doanh nghiệp đã quan tâm trồng, phát triển mắc ca, hiện có 8 doanh nghiệp lập 10 dự án đầu tư mắc ca, trong đó, 5 dự án đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt.

Các đại biểu dự Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 486 ha mắc ca, năng suất bình quân đạt khoảng 3,4 tấn quả tươi/ha/năm, hiệu quả kinh tế đạt từ 600.000 đồng - 1 triệu đồng/cây/năm đối với cây mắc ca trồng từ năm thứ 10 trở lên. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 vườn ươm sản xuất và kinh doanh giống cây mắc ca với quy mô trên 186.000 cây/năm, với các loại giống như: 246, A38, QN1… xuất xứ từ Australia và Trung Quốc.

Tháng 6/2021, Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Mắc ca đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng phát triển cây mắc ca trên địa bàn; đang hoàn thiện đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó, tỉnh Lạng Sơn được đưa vào vùng quy hoạch mở rộng trồng cây mắc ca.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển cây mắc ca, trong đó, tập trung vào các nội dung như: Kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc; công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ mắc ca; chính sách thu hút các dự án đầu tư trồng, chế biến, kinh doanh mắc ca trên địa bàn tỉnh; liên kết chuỗi phát triển mắc ca.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu: Sở NN&PTNT tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội thảo, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu mọi mặt về sự phù hợp, hiệu quả kinh tế, môi trường khi phát triển mắc ca. Từ đó, tham mưu xây dựng đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh ngay sau khi đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt.

Cây Mắc ca giống được giới thiệu tại Hội thảo
Cây Mắc ca giống được giới thiệu tại Hội thảo

Ngoài ra, ông Dương Xuân Huyên còn đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, đánh giá chất lượng các giống mắc ca hiện có tại Lạng Sơn và các giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh; tham mưu Bộ NN&PTNT có chính sách hỗ trợ người trồng và chế biến các sản phẩm mắc ca. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng mắc ca có sự phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT và các huyện nơi đầu tư dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án phát triển mắc ca.