Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Thu Phương nỗ lực đưa mắc ca Việt vươn xa

PV - 11:47, 13/07/2021

Bỏ “phố về vườn”, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1992, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) quyết tâm khởi nghiệp trên chính quê hương mình với khát vọng tìm đầu ra cho hạt mắc ca. Sau hơn 4 năm, mô hình khởi nghiệp của Phương ngày càng thành công, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm, vừa truyền lửa cho phong trào khởi nghiệp lập nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk vừa góp phần đưa mắc ca Việt Nam vươn ra thế giới.

Thu Phương nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2019
Thu Phương nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2019

Bại không nản

Thu Phương là con gái út trong gia đình có 4 anh chị em. Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng vào năm 2014, Phương ở lại “thành phố đáng sống” làm đủ nghề với mong muốn lập nghiệp ở nơi đây. Tuy nhiên, cô tự nhận thấy bản thân không có "duyên" với Đà Nẵng. Trở về quê nhà đúng thời điểm người dân Krông Năng thu hoạch mắc ca, Phương trăn trở khi thấy nông dân phải loay hoay tìm đầu ra cho loại nông sản này. Qua tìm hiểu, Thu Phương nhận thấy, đây là cơ hội khởi nghiệp vì “ít người làm thì nhiều cơ hội”.

Nghĩ là làm, Phương mua máy dập hạt, máy sấy - hút chân không về khởi nghiệp. Thời gian đầu, máy móc, kỹ thuật sấy và khâu bảo quản chưa chuẩn nên sản phẩm bị hư hỏng, lỗ gần 60 triệu đồng, Phương hơi nản. Được người thân động viên tinh thần, Phương lại miệt mài vào công việc. Cuối cùng, thành công đã mỉm cười với Thu Phương khi các mẻ mắc ca thơm ngon, béo ngậy ra lò, nhận được phản hồi tốt. Thương hiệu “Mắc ca Nguyên Phương”, “Damaca Nguyên Phương” xuất hiện từ đó. Năm 2017, công ty hoạt động ổn định, xuất ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca, trừ chi phí, lợi nhuận thu về 450 triệu đồng.

Năm 2018, Thu Phương tham gia cuộc thi "Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ 1" và giành giải Nhất. Sau đó, cô tham gia chương trình "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam" năm 2019 và kêu gọi được 5 tỷ đồng tiền vốn. Hai sự kiện này là “bước đệm” thành công của Phương, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn ổn định để hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; khẳng định thương hiệu trên thị trường, khách hàng tìm đến nhiều hơn.

Hai năm qua, cô gái trẻ Thu Phương không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cho ra thị trường một số sản phẩm mới như nhân mắc ca trần, sôcôla mắc ca, dầu mắc ca và đang nghiên cứu cho ra sản phẩm sữa bột mắc ca. Đồng thời, Phương cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Phương cũng đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị với công suất 300 tấn/năm. Sản phẩm của công ty được nhiều người biết đến, năm 2020 đã xuất ra thị trường khoảng 70 tấn hạt mắc ca. Hiện nay, sản phẩm của công ty mang thương hiệu "Damaca Nguyên Phương" đã xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đài Loan, Pháp.

Theo ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, Thu Phương là tấm gương sáng về khởi nghiệp, lập nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ Phương cùng công ty tham gia các hoạt động giao thương kết nối, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mạị. Phương là cô gái nhanh nhạy, am hiểu thị trường, biết tận dụng lợi thế sẵn có, tận dụng tốt các mối quan hệ và biết tìm tòi, chinh phục thị trường khó tính như châu Âu.

Không chỉ nhanh nhạy tìm kiếm thị trường và sử dụng hiệu quả các kênh để kinh doanh, trong những năm qua, Thu Phương còn là đại diện trẻ tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk tham dự nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như: Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (tháng 1/2021), Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp toàn quốc năm 2020, Hội nghị phát triển cây mắc ca Việt Nam... Năm 2019, Thu Phương vinh dự là một trong 34 thanh niên tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của.

Phương tâm đắc nhất với Hội nghị phát triển cây mắc ca do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9/2020. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng này đã góp phần tạo dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của ngành mắc ca, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, đơn vị truyền thông, chuyên gia với ngành mắc ca. Qua hội nghị, bản thân Phương và các doanh nghiệp khác dễ dàng vạch định đường đi, hoạch định định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới. Phương cũng kỳ vọng, sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng lãnh đạo toàn diện sẽ giúp đất nước phát triển về mọi mặt, trong đó có phát triển sản xuất nền nông nghiệp công nghệ cao và nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo đúng vị thế đang có và ngày càng tăng trưởng cao.

Kinh nghiệm thành công của Thu Phương là phải chú trọng chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm
Kinh nghiệm thành công của Thu Phương là phải chú trọng chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

Nỗ lực vượt bão dịch

Năm 2020 là năm khó khăn, năm thử thách đối với Phương và công ty bởi ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhiều kế hoạch hoạt động của công ty, dự định mở rộng sản xuất và cho ra sản phẩm mới bị hoãn. Có những thời điểm, công ty phải cắt giảm chi phí hoạt động, đồng thời sử dụng kênh bán hàng online và phương thức kinh doanh phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Phương cho biết, giai đoạn diễn ra dịch bệnh có nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội, tạo ra khoảng thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh, những điểm yếu cần cải tiến, xây dựng kế hoạch kinh doanh với nhiều kịch bản hơn. Phương tâm niệm: “Nếu đã chọn con đường kinh doanh, phải vững tin và vững tâm đi. Áp lực sẽ qua, dịch bệnh cũng sẽ hết. Cuộc chơi nào cũng vậy, ai kiên trì, người đó đi xa”. Trong bối cảnh dịch bệnh, sản phẩm của công ty Phương đã tiến sang thị trường Hàn Quốc, Pháp thành công trong năm 2020.

Bên cạnh đó, cô gái 9X trăn trở về thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam, trong đó, thương hiệu của các sản phẩm mắc ca chưa mạnh; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, gây ảnh hưởng chung đến thương hiệu về sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Chia sẻ về những dự định trong năm 2021, nữ doanh nhân 29 tuổi Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, công ty sẽ liên kết với người dân địa phương xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn khoảng 100 ha và liên kết với một số tập đoàn sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, công ty mở rộng nhà xưởng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nghiên cứu nhu cầu và hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tại châu Âu. Theo Phương, để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và xuất khẩu sản phẩm qua EU, mắc ca còn thiếu nhiều điều kiện, thách thức lớn và con đường rất dài. Các doanh nghiệp phải nỗ lực và tiến lên.

Bản thân là phụ nữ, Phương nhận thấy mình có nhiều lợi thế trong kinh doanh, có thể đàm phán nhẹ nhàng và khéo léo, nhận được nhiều sự ủng hộ, ưu đãi. Mặt khác, được gia đình, chồng, người thân ủng hộ, Phương có nhiều thời gian dành cho công việc, thoải mái làm việc bản thân thích và đam mê. Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, trong 4 năm nay, Phương còn đảm nhiệm chức danh Bí thư chi Đoàn thôn và Chủ tịch Chi hội Doanh nhân trẻ huyện Krông Năng. Cô gái năng động này đã luôn nhiệt huyết chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ các bạn trẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trương Hoài Anh, "Damaca Nguyên Phương" là doanh nghiệp trẻ, năng động của huyện. Công ty không chỉ quy tụ thành viên, hợp tác xã thành vùng trồng mắc ca, đảm bảo đầu ra cho nông dân mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động tại địa phương. Sản phẩm của "Damaca Nguyên Phương" vừa đạt chứng nhận "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) hạng 4 sao. Đây là tin mừng không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của ngành Nông nghiệp huyện trong phát triển bền vững cây mắc ca. Phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong dìu dắt Chi hội Doanh nhân trẻ huyện Krông Năng hoạt động, bước đầu có những khởi sắc thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho thanh niên về khởi nghiệp lập nghiệp.

Với Thu Phương, để thành công phải “không sợ thất bại”, chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, cùng với đó phải có sự tự tin, kiên trì, ham học hỏi. Nhờ đó, cô gái 9X luôn cần cù nỗ lực này, là điển hình tiên tiến của tỉnh về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, điển hình thanh niên toàn quốc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần đưa giá trị nông sản Việt tiến xa ra thị trường lớn./.