Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lan tỏa tinh thần Phật giáo Việt Nam từ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc: Tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Bài cuối)

Sỹ Hào - 9 giờ trước

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (LHQ) không chỉ là ngày hội của những người có tín ngưỡng Phật giáo mà còn là cơ hội lớn cho sự giao lưu gặp gỡ giữa những người yêu hòa bình, kính trọng các giá trị nhân bản của con người. Thông qua việc tổ chức thành công Đại lễ, Việt Nam tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi cá nhân.

Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 sáng ngày 06/5.
Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 sáng ngày 06/5

Đồng hành cùng tín ngưỡng, tôn giáo

Từ ngày 06 đến ngày 08/5, Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 20 năm 2025 đã được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam - cơ sở II ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài các sự kiện chính được tổ chức trong 03 ngày này, trong khuôn khổ Đại lễ đã diễn ra nhiều hoạt động nhằm lan tỏa tinh thần Phật giáo cũng như hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Đây là lần thứ tư, Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ nhà Đại lễ Vesak LHQ – một trong những sự kiện văn hóa tôn giáo quốc tế lớn nhất được LHQ công nhận. Theo ghi nhận, các đại biểu quốc tế tham dự đều đánh giá rất cao vai trò của nước chủ nhà Đại lễ Vesak LHQ năm 2025.

Tại phiên khai mạc sáng ngày 06/5, Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) đã đánh giá cao công tác chuẩn bị từ rất sớm và tích cực của Việt Nam cho việc đăng cai tổ chức Vesak LHQ năm 2025 tại TP. Hồ Chí Minh.

“Với sự chuẩn bị chu đáo, công tác tổ chức hoàn bị, công phu cũng như sự ủng hộ của cộng đồng Phật giáo quốc tế, Đại lễ Vesak LHQ 2025 sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp thêm nhiều giá trị cho Phật giáo và nhân sinh, góp phần kiến tạo hòa bình cho thế giới, bình an, hạnh phúc cho con người”, Chủ tịch ICDV khẳng định.

Đại lễ Vesak LHQ là một sự kiện vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa có tính chất thuộc một tôn giáo. Là quốc gia có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, để đảm bảo sự đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như đảm bảo sự hài hòa trong việc tổ chức Đại lễ, chỉ duy nhất trong lần đầu tiên (năm 2008), Chính phủ thành lập Ban Điều phối Quốc gia; còn các năm: 2014, 2019 và 2025 chỉ thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tổ chức Đại lễ.

Năm 2025, Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Để bảo đảm thành công cho Đại lễ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của đại diện các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ GHPG Việt Nam từ an ninh trật tự, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thực hiện nghi thức tắm tượng Phật trong khuôn khổ Lễ hội hoa đăng cầu nguyện hòa bình được tổ chức tối 6/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thực hiện nghi thức tắm tượng Phật trong khuôn khổ Lễ hội hoa đăng cầu nguyện hòa bình được tổ chức tối 6/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh

Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) là đơn vị thường trực, đầu mối giữa Tổ công tác liên ngành với GHPG Việt Nam; phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai các mặt công tác hướng dẫn, giúp đỡ GHPGVN tổ chức thành công Đại lễ.

Trong Thông điệp chúc mừng Đại lễ Vesak năm 2025, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Việt Nam Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh: Năm 2025, Việt Nam lần thứ tư đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ. Đây không chỉ là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam mà còn thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam, tiếp tục chứng minh Việt Nam luôn là thành viên chủ động tích cực, trách nhiệm của LHQ.

Thúc đẩy đối ngoại Nhân dân

Theo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ, qua các lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ đã thúc đẩy hoạt động đối ngoại của Phật giáo Việt Nam. Từ khi Đại lễ Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam cho đến nay, các hoạt động quốc tế, đối ngoại của GHPG Việt Nam từ Trung ương đến địa phương được củng cố và phát triển.

Hoạt động đối ngoại Phật giáo qua Đại lễ Vesak LHQ đã góp phần quan trọng vào mở rộng đối ngoại Nhân dân, mở rộng đối ngoại của Việt Nam; qua đó thúc đẩy phát triển giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đại lễ Vesak LHQ không chỉ là ngày hội của những người có tín ngưỡng Phật giáo, mà còn là cơ hội lớn cho sự giao lưu gặp gỡ giữa những người yêu hòa bình, kính trọng các giá trị nhân bản của con người. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ trao đổi quảng bá hình ảnh, đất nước, con người của các quốc gia cùng một hạnh nguyện hòa bình phát triển.

Điều này một lần nữa được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam khẳng định trong diễn văn khai mạc Đại lễ Vesak năm 2025.

Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, Đại lễ Vesak năm 2025, việc khơi dậy tinh thần đoàn kết và bao dung, lấy con người làm trung tâm của mọi hành động là điều vô cùng cần thiết giữa một thế giới đang có quá nhiều biến động. Tinh thần đó không chỉ là lời dạy của Phật giáo, mà còn là nguyên lý cốt lõi của LHQ.

Qua Đại lễ Vesak, các hoạt động quốc tế, đối ngoại của GHPG Việt Nam từ Trung ương đến địa phương được củng cố và phát triển. (Trong ảnh: Gần 2.700 đại biểu dự Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 chụp ảnh lưu niệm ngày 06/5)
Qua Đại lễ Vesak, các hoạt động quốc tế, đối ngoại của GHPG Việt Nam từ Trung ương đến địa phương được củng cố và phát triển. (Trong ảnh: Gần 2.700 đại biểu dự Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 chụp ảnh lưu niệm ngày 06/5)

“Hơn hết, việc nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới phản ánh rõ tinh thần của Phật giáo về sự liên hệ mật thiết giữa thế giới nội tâm của mỗi con người và hiện thực xã hội. Sự bình an nội tâm của mỗi người trong xã hội chính là nền tảng cho hòa bình bền vững”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định.

Trong Thông điệp chúc mừng Đại lễ Vesak năm 2025, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Việt Nam Đào Ngọc Dung chia sẻ, Đại lễ Vesak không chỉ là ngày lễ quan trọng của hàng trăm triệu phật tử khắp năm châu mà còn là một sự kiện tôn giáo mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc đối với nhân loại. Bởi lẽ, tư tưởng, giáo lý mà Đức Phật để lại về lòng từ bi, trí tuệ, hoà hợp và vị tha luôn là mục tiêu hướng tới xây dựng một xã hội hoà bình, nhân văn, phát triển và bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: GHPG Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 20 tại TP. Hồ Chí Minh cũng là thời điểm Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các hoạt động tri ân, tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ; thăm, tặng quà cho trẻ em có những hoàn cảnh khó khăn tại các trung tâm bảo trợ xã hội; đêm hội hoa đăng quốc tế cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới... được tổ chức trong khuôn khổ Đại lễ Vesak LHQ 2025 góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân ái của Phật giáo, xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc và hữu nghị. Thể hiện sự hòa hợp giữa Phật giáo quốc tế và Phật giáo Việt Nam trong việc chung tay vun đắp một thế giới văn minh và phát triển bền vững, hài hoà giá trị vật chất và tinh thần, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam “Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Sau nhiều ngày tổ chức, ngày 8/5, Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” đã chính thức bế mạc. Thành công trên nhiều phương diện, Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 không chỉ là một đại lễ tôn giáo quốc tế mà còn trở thành dịp để khẳng định các giá trị nhân văn, hòa bình và hội nhập quốc tế mà dân tộc Việt Nam đang theo đuổi.

Tin cùng chuyên mục
Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Trong những năm qua, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn.