Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lâm Hà: Thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số

PV - 18:10, 26/07/2021

Trong 5 năm gần đây, Lâm Hà (Lâm Đồng) từ nhiều nguồn vốn đã tập trung đầu tư thay đổi diện mạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Buôn làng thay đổi

Khi chúng tôi đến, K’Long Ha Phúc, 25 tuổi, người Cil, buôn Hang Hớt, xã Mê Linh, Lâm Hà đang cùng nhiều thanh niên trong thôn chuyển 1.000 cây giống cà phê ra vườn bằng xe máy.

Nhà Ha Phúc có 2 ha cà phê, trồng đã lâu năm nên đến nay cây cỗi cho ít trái, trái nhỏ, năng suất thấp; gia đình anh năm nay theo sự vận động của xã đang mua cây giống trồng mới lại toàn bộ 4 sào, anh đang nhờ bạn bè cùng lứa làm với mình như một hình thức “đổi công”.

K’Long Ha Phúc (bìa trái) đang chuyển cà phê giống ra vườn
K’Long Ha Phúc (bìa trái) đang chuyển cà phê giống ra vườn

Những ngày này, cả vùng đất Lâm Hà mưa phùn kéo dài, ướt át, gây khó cho người làm, đất đỏ bết vào bánh xe máy vận chuyển giống và phân bón lót cho cây. Nhưng như Ha Phúc nói, mưa cũng làm đất mềm, dễ đào hố, dễ trồng. “Mua cây về đợi cho có mưa vào những ngày như thế này để xuống giống, cây nhanh xanh lắm”, anh cười.

Vườn cà phê của nhà Ha Phúc nằm sâu ở phía cuối làng, gần cuối con đường bê tông rộng rãi của thôn. Hai bên con đường bê tông dài chạy xuyên từ thôn Cổng Trời qua thôn Hang Hớt này rất nhiều những ngôi nhà gỗ làm kiểu xưa có trang trí mặt tiền khá đẹp, những ngôi nhà xây vững chãi hàng hiên trước nhà có ghế dài, người lớn tuổi, phụ nữ thường ra ngồi lúc rảnh rỗi. Dọc con đường nhiều chỗ trồng cỏ lạc đang ra hoa, nối nhau là những vườn cà phê xanh tốt, những vạt đất trồng bắp, trồng dâu nuôi tằm. Xen lẫn trong vườn cà phê là các loại cây ăn trái, nhiều nhất là bơ, mùa này bơ trĩu cành.

Theo Ha Phúc, mùa vừa rồi 2 ha nhà anh chỉ thu được hơn 2 tấn nhân, bán được trên 60 triệu đồng. Gần đây gia đình anh theo sự vận động của thôn đã bắt đầu nuôi tằm, trồng 2 sào dâu lấy lá cho tằm ăn. “Lúc đầu nuôi tằm cũng thấy khó, tại chưa quen nhưng nhờ cán bộ xã đến hướng dẫn kỹ thuật nên cũng quen dần, làm được”, Ha Phúc nói. Tổng thu nhập cả năm của nhà theo Ha Phúc chừng khoảng 100 triệu đồng, “cũng đủ sống”, anh cười tươi.

Không khó để thấy người Hang Hớt hiện nay bên cạnh cà phê đã nuôi tằm rất nhiều. Rất nhiều nhà chất các nong tằm chưa sử dụng trước nhà. Dọc theo con đường dịp này có không ít nhà sắp cây giống thành hàng trước sân để chuẩn bị xuống cây. Như nhà ông Krajen Lisah, 71 tuổi, trước sân đang để cả nghìn cây giống cà phê, cây mắc ca, cây sầu riêng giống mới… Số cây này theo ông Lisah là của nhiều gia đình trong thôn cùng mua ở một trại giống tại Đức Trọng thuê xe chở về tập trung ở đây, cả phê thì trồng mới, còn cây ăn quả trồng xen trong các vườn cà phê.

Đưa chúng tôi đi thăm nhiều nhà dân trong thôn, Trưởng thôn Hang Hớt Cil Phi Crieu Ha Ham cho biết, thôn có gần 170 hộ dân, trong đó có 135 hộ đồng bào Cil. Hầu hết các gia đình này đời sống lâu nay phụ thuộc rất lớn vào cây cà phê, nhà ít chừng 5 - 7 sào, nhiều nhà trồng vài hecta. Nhờ đất đai tốt, dễ làm, cà phê nơi đây mấy năm trước được giá nên cuộc sống bà con từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, gần đây giá cà phê xuống dần; cùng đó, do trồng đã lâu năm nên cây cỗi dần, năng suất giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập.

Gần đây chính quyền xã, thôn đang tích cực vận động bà con cải tạo lại vườn cà phê, thay thế cây mới giống mới, trồng xen một số loại cây ăn trái khác có giá trị vào vườn để tăng thêm thu nhập. Chính quyền còn vận động và hỗ trợ bà con trong thôn trồng dâu nuôi tằm, đến nay trong thôn đã có gần 60 gia đình người Cil lẫn người Kinh tham gia, cho thu nhập khá ổn định. Hiện số hộ nghèo, đặc biệt là hộ gia đình người DTTS giảm xuống rất nhanh, cả thôn giờ còn 14 hộ nghèo.

Lâm Hà đang phát triển trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân
Lâm Hà đang phát triển trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, toàn xã hiện có trên 1.800 hộ dân, trên 8.000 nhân khẩu, trong đó có trên 450 hộ gia đình người K’Ho, người Cil gốc Tây Nguyên, sinh sống tập trung tại 4 thôn gồm Cổng Trời, Hang Hớt, Buôn Chuối và Thực Nghiệm.

“Buôn làng nay đã thay đổi rất nhiều thông qua tác động của nhiều chương trình hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước cho đồng bào DTTS trong xã những năm gần đây”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, hằng năm huyện có rất nhiều chương trình, dự án triển khai trong vùng DTTS xã theo chính sách chung, nhưng đặc biệt Mê Linh là xã duy nhất trong huyện còn được thụ hưởng thêm chương trình hỗ trợ sản xuất cho vùng đồng bào DTTS theo Nghị quyết 67 của HĐND tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Các chương trình hỗ trợ sản xuất này theo ông Hải, luôn được xã và thôn triển khai một cách chặt chẽ, các thôn cho họp dân, tham khảo ý kiến, nhu cầu người dân; tùy theo đăng ký các gia đình sẽ được nhận sự hỗ trợ cụ thể từ hỗ trợ nuôi bò, hỗ trợ cây giống tái canh cà phê, hỗ trợ cây ăn trái, hỗ trợ giống cây dâu tằm và nong nuôi tằm… Xã sẽ cử các đoàn thể cho người xuống giúp từng hộ dân về kỹ thuật.

Cho đến nay, theo ông Hải, 4 thôn DTTS của Mê Linh có điện, đường, trường, trạm đầy đủ, đặc biệt đường sá bê tông hóa, đi lại dễ dàng, hàng hóa vận chuyển thuận lợi; nhà cửa từng bước khang trang; máy móc cơ giới hóa dần thay sức người; trường học bài bản. Và điều thay đổi lớn nhất theo ông Hải, chính là thay đổi được nhận thức của rất nhiều bà con DTTS nơi đây, nhiều người nay đã vươn lên làm ăn, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chịu khó đầu tư cho con cái học tập. Số hộ nghèo là đồng bào DTTS tại Mê Linh những năm trước chiếm trên 50%, nhưng trong vài năm gần đây, theo ông Hải, hiện chỉ còn dưới 3%, trong đó hộ đồng bào DTTS dưới 10%.

Trên 45 tỷ đồng đầu tư trong 5 năm

Với 14 xã và 2 thị trấn, Lâm Hà hiện có trên 36,4 nghìn hộ dân, trên 141,6 nghìn người dân sinh sống trên địa bàn, trong đó có 57 thôn trong 12 xã của huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS tập trung đông.

Trong 5 năm gần đây, tính từ năm 2016 đến cuối năm 2020, Lâm Hà đã đầu tư trên 45 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn cho vùng đồng bào DTTS trong huyện.

Cụ thể, huyện đã triển khai 47 hạng mục công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng vốn đầu tư trên 4,7 tỷ đồng, trong đó hỗ phát triển sản xuất cho hơn 500 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo với tổng kinh phí là 4.437 triệu đồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện xây dựng mô hình phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ xây dựng 5 mô hình nuôi nấm linh chi tại thị trấn Đinh Văn, các xã Đạ Đờn, Mê Linh, kinh phí thực hiện là 332 triệu đồng.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cillcus tại buôn Hang Hớt
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cillcus tại buôn Hang Hớt

Với Chương trình 30a cho 16 thôn nghèo, từ nguồn ngân sách huyện 2,2 tỷ đồng, Lâm Hà đã đầu tư trên 1,78 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến đường giao thông nông thôn; làm sân, hàng rào nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ 412,5 triệu đồng phát triển sản xuất cho 48 hộ nghèo tại các thôn 3, 7, 8 của xã Tân Thanh.

Trong chương trình trợ giá giống cây trồng; nguồn vốn phân bổ trên 903 triệu đồng, dân đối ứng 51,5 triệu đồng hỗ trợ cho 628 hộ, bao gồm 3.082 cây bơ ghép; trên 156 cây cà phê Catimor; gần 1,2 triệu hom dâu tằm; 4.285 cây mắc ca. Cùng đó, trong chương trình tái canh cây cà phê, với nguồn vốn phân bổ 1,7 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ 292 hộ trong huyện với gần 53 nghìn cây cà phê Catimor; trên 151,7 nghìn cây cà phê Robustar thực sinh.

Huyện cũng thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái canh cây cà phê cho 515 hộ đồng bào DTTS trong huyện, hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho 2 hạng mục giếng khoan Thôn 3 Đạ R’kốh - xã Đạ Đờn và giếng khoan Thôn 3, xã Tân Thanh với tổng kinh phí 814 triệu đồng.

Từ nguồn ngân sách huyện đầu tư xây dựng các công trình bức xúc vùng DTTS trên 7,5 tỷ đồng, huyện đã dùng trả nợ các công trình hoàn thành trước đó 5,12 tỷ đồng; đầu tư xây mới 3 hạng mục trị giá 2,4 tỷ đồng, gồm khoan giếng và làm đường giao thông nông thôn tại thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn; nạo vét hồ tại thôn Tân Sơn, xã Phúc Thọ.

Từ nguồn kinh phí trên, huyện cũng thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên đồng bào DTTS hằng năm, mỗi năm trên 700 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2021, đến hết tháng 5, huyện đã chi trợ cấp xã hội cho trên 150 lượt học sinh, sinh viên DTTS với gần 400 triệu đồng. Huyện còn thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, hằng năm tổ chức tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, tết, khi ốm đau với kinh phí gần 100 triệu đồng/năm.

Theo UBND huyện Lâm Hà, việc triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào DTTS đã cải thiện nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đời sống người dân được cải thiện một cách rõ rệt. Đến nay tất cả các xã trong huyện đều có đường ô tô đi đến trung tâm xã; nhiều thôn, buôn đã có đường ô tô vào tận nơi, giúp hàng hóa lưu thông thuận tiện; 100% xã có điện đến trung tâm xã; có trên 95% hộ được dùng điện lưới quốc gia; trên 90% hộ đồng bào DTTS dùng nước sạch hợp vệ sinh.

Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo của huyện đã có những bước tiến rất đáng kể trong 5 năm gần đây, đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra so với nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện. Cuối năm 2015, hộ nghèo chung toàn huyện còn 2.417 hộ, chiếm 6,61%; trong đó, hộ nghèo DTTS có 1.153 hộ, chiếm 17,12%; đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 628 hộ, chiếm 1,61% dân số (trong đó số hộ nghèo DTTS chỉ còn 303 hộ, chiếm 4,34%).

Như UBND huyện đánh giá, mặt bằng dân trí và mức sống xã hội trong huyện nhìn chung được nâng lên, văn hóa truyền thống của các dân tộc được phát huy; hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được duy trì tốt, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được giữ vững.

Riêng với xã Mê Linh, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hải đề nghị huyện nếu được nên chú ý xây dựng thêm các mô hình về sản xuất, làm ăn hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS vốn vẫn còn ít hiện nay, để bà con học tập, thay đổi tư duy. Huyện cũng nên chú ý nhiều hơn đến việc đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào DTTS bằng cách đến tận nơi, cầm tay chỉ việc. Và cuối cùng nếu được nên xem xét việc cấp đất cho những hộ đồng bào DTTS còn thiếu đất sản xuất để tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững./.