Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

T.Hợp - 09:20, 21/06/2021

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 946/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh internet
Trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh internet

Với mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á và là trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học; phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị - nông thôn; phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Quy hoạch tỉnh sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa các quy hoạch cấp trên ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch tỉnh là công cụ pháp lý quan trọng hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng các vùng huyện và liên huyện; quy hoạch đô thị và nông thôn và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành có liên quan nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Đồng thời, là cơ sở để quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các khâu đột phá chiến lược phát triển tỉnh, loại bỏ các chồng chéo cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng như phát huy tối đa hiệu lực và sử dụng bền vững, hiệu quả các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững với 03 trụ cột chính: (1) Nông nghiệp hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; (2) Du lịch - dịch vụ chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị thông minh, xanh, trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học; (3) Công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.

Yêu cầu của nội dung lập quy hoạch là phải đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng...

Theo Quyết định, phạm vi quy hoạch phần lãnh thổ tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích tự nhiên là 9.783,34km2 với thời kỳ quy hoạch từ 2021-2030, tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Các nội dung lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; Đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước; …

Trong việc tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Trong quá trình lập Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch và quy định pháp luật liên quan.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả./.