Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làm du lịch từ hoạt động nghề cá gắn với văn hóa vạn chài

Minh Nhật - 15:43, 08/08/2024

Với 125km đường bờ biển, tỉnh Quảng Nam có gần 20 làng chài với văn hóa vạn chài đậm đà, đặc trưng. Những năm qua, một số làng chài xứ Quảng như Tân Thành, Cửa Khe, Tam Thanh, Tam Tiến... đã và đang xây dựng các loại hình, sản phẩm kết hợp bản sắc làng chài với môi trường biển đảo, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, thu hút đông du khách, mang đến lợi ích cho người dân địa phương.

Làm du lịch từ hoạt động nghề cá gắn với văn hóa vạn chài tạo sức hấp dẫn

Khoảng 3 năm trở lại đây, làng chài Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) là điểm đến hấp dẫn của những du khách yêu thích du lịch cộng đồng, muốn trải nghiệm đời sống bình dị mà sôi nổi của ngư dân vùng biển. Làng Cửa Khe chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 20 phút di chuyển, sở hữu bãi biển đẹp hoang sơ với cát trắng mịn, hàng phi lao tự nhiên, chưa bị tác động nhiều bởi đô thị hóa. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng chài miền biển, từ đi thuyền thúng, đánh lưới, đặt lờ, kéo rùng, hát bả trạo.

Cửa Khe còn có nghề truyền thống lâu đời làm nước mắm đã được công nhận và cũng là 1 trong 67 tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với câu ca dao dân gian lưu truyền “nhất mắm Cửa Khe, nhì chè Long Phú”. Hằng năm, vào tháng 2 âm lịch, người dân Cửa Khe tổ chức lễ cúng tổ nghề mắm long trọng, đặc sắc mà hiếm làng nghề còn duy trì được. Tận dụng lợi thế này, một số gia đình ngư dân trong làng đã mạnh dạn đầu tư, học hỏi, mở homestay đón khách lưu trú và tổ chức các chương trình du lịch liên quan đến ẩm thực địa phương, như: Tour tham quan xưởng mắm, lớp học làm nước mắm, đi chợ cá buổi bình minh, thưởng thức hải sản tươi...

Nghề làm mắm truyền thống ở làng chài Cửa Khe, huyện Thăng Bình là điểm nhấn thu hút du khách (Nguồn ảnh: TL)
Nghề làm mắm truyền thống ở làng chài Cửa Khe, huyện Thăng Bình là điểm nhấn thu hút du khách (Nguồn ảnh: TL)

Cũng ghi được dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Quảng Nam là làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, thành phố Hội An), với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh và cũng là hiếm có trên cả nước. Cuối năm 2021, Hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành được thành lập với các dịch vụ chính là lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, trải nghiệm làng chài, chợ phiên làng chài, các câu lạc bộ nghệ thuật và nổi bật là Chợ phiên làng chài Tân Thành họp vào mỗi cuối tuần.

Theo Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành Lê Quốc Việt, việc phát triển sản phẩm du lịch nơi đây chú trọng đến cộng đồng và dân cư bản địa, dựa trên nền tảng nghề biển và bản sắc văn hóa của làng chài, không có khoảng cách giữa người bản địa, người nhập cư và khách du lịch nước ngoài. Nhờ vậy, dù trải qua nhiều năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng sinh hoạt cộng đồng và dịch vụ du lịch tại đây vẫn được gắn kết, phát triển.

ộc đáo phiên chợ làng chài - Quảng Nam (Nguồn ảnh: TL)
Độc đáo phiên chợ làng chài - Quảng Nam. (Nguồn ảnh: TL)

Nhiều ý tưởng làm du lịch từ hoạt động nghề cá được người dân ủng hộ triển khai có hiệu quả như: Tour trải nghiệm kéo lưới, tour câu mực, đan vá lưới, đi thuyền thúng, lửa trại tại bãi biển hay các hoạt động tôn vinh văn hóa như: Học hát bài chòi, hò khoan, khiêu vũ, vẽ tranh, làm đồ tái chế...

Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN 2023, cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành đã vinh dự nhận Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN. Đến với làng biển, một chuyến du lịch không chỉ là trải nghiệm phong cảnh, ẩm thực mà còn tiếp nhận nhiều giá trị đặc sắc từ chính con người, nếp sống miền biển. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ rằng, văn hóa phi vật thể trong kho tàng di sản văn hóa biển đảo Việt Nam vô cùng phong phú và là bệ đỡ cho phát triển du lịch bền vững, thay đổi và cải thiện sinh kế cho người dân.

“Đó là những kinh nghiệm sống và làm ăn của cư dân được tích tụ và truyền lại từ nhiều thế hệ; những tri thức được tích lũy và ứng dụng thông qua sinh hoạt thường nhật và lao động sản xuất mùa vụ; những tín ngưỡng, dân ca, truyền thuyết, thần thoại được sáng tạo và hội nhập từ nhiều nền văn hóa và văn minh, qua bao thế hệ do lợi thế vị trí biển đảo đem lại”, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân nhấn mạnh.

Nhắc đến làng chài tiên phong làm du lịch và nổi tiếng sớm ở Quảng Nam, không thể bỏ qua cái tên làng chài bích họa Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ). Năm 2016, dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc-Việt Nam đã biến làng chài đơn sơ thành làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam với hơn 100 bức vẽ tại nhà dân và các không gian công cộng. Qua thời gian, một số bích họa phai mầu, xuống cấp, song mỗi năm địa phương đều phối hợp các tổ chức xã hội và các họa sĩ để tổ chức chương trình vẽ tranh, làm đẹp cho làng.

Cuộc sống người dân làng chài ven biển Tam Thanh hiện lên độc đáo qua những bức bích họa trên thuyền thúng (Nguồn ảnh: TL)
Cuộc sống người dân làng chài ven biển Tam Thanh hiện lên độc đáo qua những bức bích họa trên thuyền thúng (Nguồn ảnh: TL)

Mới đây nhất, cuối tháng 5/2024, gần 20 bức bích họa được 120 họa sĩ đến từ các tỉnh, thành phố vẽ thêm trên tường những ngôi nhà ở xã Tam Thanh. Ngoài tranh, hơn 33 tác phẩm trên thuyền thúng, 50 mái chèo, nhiều tác phẩm điêu khắc hoàn thành được sắp đặt, trưng bày. Những bức tranh thể hiện thế giới sinh vật biển, hoạt động của ngư dân, cảnh biển ở nhiều thời điểm trong ngày... không chỉ hấp dẫn du khách, mà còn khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ môi trường ở chính các thế hệ cư dân trong làng.

Làng chài được xem là nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng ngư dân, khai thác giá trị văn hóa làng chài như một sản phẩm du lịch cũng chính là cách nuôi dưỡng, bảo tồn văn hóa địa phương. Dù đã có một số mô hình tốt và hoạt động hiệu quả, du lịch làng chài ở Quảng Nam vẫn còn nhiều yếu tố chưa được phát huy xứng tầm, chẳng hạn như các lễ hội biển, tín ngưỡng gắn với biển.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến không gian làng biển và nghề biển bị thu hẹp cũng là vấn đề được các chuyên gia văn hóa, du lịch băn khoăn. Theo ông Tôn Thất Hướng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa (nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam), các cơ sở thờ tự có kiến trúc đặc trưng của làng biển cần được tu bổ, tôn tạo; các sự kiện như lễ tế Cá Ông, lễ hội Long Chu, lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền... nên được nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng (nếu cần), để tạo bản sắc khiến du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, cần vận động Nhân dân giữ môi trường sinh thái xanh-sạch-đẹp và phát huy nghề truyền thống để phục vụ du lịch cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.