Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Thanh Huyền - 09:36, 30/10/2019

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 29/10, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Sau hơn 03 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đồng thời khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua.

Mục đích của việc sửa đổi Luật lần này chủ yếu là nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhưng trong những chủ trương này, có nội dung có thể quy định ngay trong luật, nhưng cũng có những nội dung được xác định, cụ thể hóa thông qua các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trong đề án cụ thể gắn với từng nhiệm kỳ Quốc hội. Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 15 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 là hiệu lực thi hành.

Trình báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với mục đích, quan điểm và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, chủ yếu tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các vấn đề có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chủ trương, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật hiện nay về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội như thể hiện trong dự thảo Luật về đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là ngày 01/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm thuận tiện cho công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy và thực hiện ngân sách.