Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển vùng đồng bào DTTS&MN được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm

Thanh Huyền - 09:42, 25/10/2019

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trình bày tờ trình phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Đề án). Đề án đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, bức thiết hiện nay, đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển cùng đất nước. Theo đó, Đề án được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Đề án đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, bức thiết hiện nay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đề án đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, bức thiết hiện nay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sau khi nghe Tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm tra Đề án, trong phiên họp tổ về tình hình kinh tế - xã hội, về cơ bản các ý kiến đều thể hiện sự đồng thuận cao, thống nhất với sự cần thiết của Đề án và khẳng định, đây là Đề án rất quan trọng, có ý nghĩa nhân văn và rất thiết thực mà cử tri và Nhân dân đang mong đợi. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào DTTS nói riêng và người dân sống ở các khu vực khó khăn trên cả nước nói chung. Một số ý kiến cho rằng, nếu không quyết liệt thực hiện tập trung nguồn lực thì đồng bào DTTS sẽ mất bình đẳng, ngày càng tụt hậu. 

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) thống nhất cao việc Quốc hội đưa Đề án vào chương trình nghị sự của kỳ họp lần này và cho rằng, cần chỉ rõ nguồn lực thực hiện Đề án này, khắc phục tình trạng nợ chính sách, gây mất lòng tin cho người dân. 

Nhiều đại biểu đã kiến nghị những giải pháp thực hiện Đề án, trong đó, đất sản xuất, quy hoạch sắp xếp dân cư phù hợp, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... là nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm kiến nghị nhất. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu đặc điểm địa hình, đặc thù vùng miền, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt của mỗi dân tộc để có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vượt lên khó khăn, tập trung đầu tư vào khu vực này…

Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào được nâng lên đáng kể. Mặc dù nhiều chính sách được ban hành, trong đó có chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tuy nhiên các chính sách này còn chưa hiệu quả do nguồn lực hạn chế. Do vậy, việc hỗ trợ đất ở mới đạt 13%, số hộ được sử dụng nước sạch mới đạt 15%. Vẫn còn trên 58 nghìn hộ DTTS thiếu đất sản xuất… Nếu Đề án được ban hành, đại biểu kỳ vọng sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc hiện tại, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho người DTTS…