Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa: Thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi

Quỳnh Trâm - 16:45, 11/07/2023

Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp
Các đại biểu tham dự Kỳ họp

Thảo luận về việc cần điều chỉnh danh mục đầu tư trung hạn và hàng năm trong giai đoạn 5 năm của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh, Đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề xuất: Tại Điều 6 của Nghị định 38/2023/NĐ-CP quy định trong trường hợp cần thiết UBND tỉnh căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương đề nghị HĐND tỉnh phân cấp cho HĐND huyện giao quyết định các danh mục đầu tư, điều chỉnh danh mục đầu tư trung hạn và hàng năm trong giai đoạn 5 năm của các Chương trình MTQG phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thực tế, nếu phân cấp, HĐND cấp huyện sẽ chủ động trong điều chỉnh các danh mục phù hợp với thực tế của từng huyện. 

Đại biểu Mai Xuân Bình cũng đề nghị các Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí đội ngũ cán bộ công tác tại các vùng DTTS và miền núi.

Đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận
Đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận

Đại biểu Mai Xuân Bình nêu thêm, việc hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị tại vùng đồng bào DTTS và miền núi rất khó khăn. Bởi quy định của Nhà nước nghiêm ngặt trong việc thụ hưởng chính sách này, nên chưa thu hút các doanh nghiệp. Vậy đề nghị các đại biểu quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là vùng đồng bào DDTS miền núi. Bởi, chỉ có sản xuất, tạo công ăn việc làm, mới tạo được sự ổn định cho đồng bào.

Bên cạnh đó, Đại biểu Mai Xuân Bình cũng nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế như: Tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án còn chậm, chất lượng chưa cao; tỷ lệ giảm nghèo rất nhanh nhưng chưa bền vững; một số địa phương, đơn vị, có lúc, có việc có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc chừng mực, né tránh; một số địa phương xuất hiện tình trạng cán bộ 3 “không”: Không nói, không tham mưu đề xuất và không làm (có làm nhưng cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng); việc thực hiện một số chương trình, đề án còn chậm, chất lượng chưa cao, tham mưu chưa đạt, thiếu quyết liệt theo bám công việc...

Thảo luận về tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trên địa bàn tỉnh, Đại biểu Phạm Kim Tân - Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa cho rằng, vẫn còn một số sở, ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, chuẩn bị để có chương trình, đề án chất lượng tốt mà còn có biểu hiện khoán trắng cho cơ quan tư vấn. Điều này dẫn đến nội dung một số chương trình, đề án chất lượng hạn chế, các đề xuất thiếu chính xác, chưa sát đúng với thực tiễn. Bên cạnh đó, một số chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, gây lãng phí về thời gian, nguồn lực của tỉnh.

Đại biểu Phạm Kim Tân - Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa, phát biểu thảo luận
Đại biểu Phạm Kim Tân - Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa, phát biểu thảo luận

Ví dụ ở lĩnh vực văn hóa có 2 đề án từ nhiệm kỳ trước, là Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS vẫn chưa bố trí được nguồn lực để triển khai thực hiện. Đề án "Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là đề án quan trọng để biến văn hóa thành nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh nhưng đến nay đề án chưa được phê duyệt để triển khai thực hiện.

Thảo luận về chấn chỉnh tình trạng sai phạm trong di tích, đại biểu Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao avf Du lịch Thanh Hóa cho biết, công tác quản lý, bảo quản, tu bổ di tích là lĩnh vực khá đặc thù, nhạy cảm. Các quy định pháp luật đang chồng chéo với Luật Di sản, dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích. Các đơn vị tư vấn trên địa bàn yếu và thiếu, chưa đủ kinh nghiệm, năng lực về tu bổ, tôn tạo di tích. Chưa xác định rõ, hiểu rõ yếu tố gốc tại các di tích. Một bộ phận người làm công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa các địa phương còn thếu và yếu, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, nên dẫn đến những sai phạm trong công tác quản lý, bảo quản và tu bổ di tích.

Đại biểu Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu thảo luận
Đại biểu Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu thảo luận

Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.500 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, theo ông Hồng, do có nhiều vướng mắc về đầu tư, nên hiện tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư 90 di tích, nhưng đến nay Sở mới báo cáo được 31 di tích và chỉ có 1 di tích đủ điều kiện giao vốn.

Nguyên nhân, các đơn vị tư vấn trên địa bàn yếu và thiếu rất nhiều, chỉ 2 - 3 đơn vị đủ năng lực làm những di tích lớn, trong khi những người tham mưu cho di tích có vốn ít ở các địa phương, lại hầu như không có kinh nghiệm, không có kiến thức về tu bổ...