Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội 2 xã đặc biệt khó khăn Mường Hoong và Ngọc Linh

Ngọc Chí - 07:32, 23/03/2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Kết luận số 1770, về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đời sống của đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọc Linh hiện còn nhiều khó khăn
Đời sống của đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọc Linh hiện còn nhiều khó khăn

Mường Hoong và Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), là 2 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum, chủ yếu là đồng bào Xơ Đăng sinh sống; kinh tế phát triển chậm, 100% hộ nghèo là người DTTS. Việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của 2 xã trong thời gian tới.

Mục tiêu của Đề án là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu trên địa bàn xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để hình thành các sản phẩm đặc trưng, gắn với thị trường tiêu thụ; từng bước thay đổi tập quán và phương thức canh tác của người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đưa hai xã Mường Hoong và Ngọc Linh sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, tiến đến đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đang hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọc Linh, xã Mường Hoong canh tác lúa 2 vụ
Các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đang hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọc Linh, xã Mường Hoong canh tác lúa 2 vụ

Phấn đấu đến năm 2025, xã Mường Hoong giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 10% trở lên; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 5 triệu đồng/người/năm. Bảo đảm 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất. Phấn đấu có ít nhất 2 hợp tác xã, mỗi thôn có ít nhất 1 tổ hợp tác; có từ 2 - 3 sản phẩm OCOP; hình thành địa điểm trao đổi, mua bán hàng hóa các sản phẩm đặc trưng. Duy trì và mở rộng diện tích hoa màu, lúa nước 02 vụ theo điều kiện thực tế, gắn với nâng cao năng suất, sản lượng. 

Nghiên cứu tận dụng quỹ đất chưa khai thác và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả để mở rộng diện tích sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cây ăn quả, cây Mắc ca, cây cà phê, Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác...

Trung tâm xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei
Trung tâm xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei

Xã Ngọc Linh giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 10% trở lên; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 5 triệu đồng/người/năm. Bảo đảm 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất. Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, mỗi thôn có ít nhất 1 tổ hợp tác; thành lập và duy trì 2 tổ liên kết cánh đồng Sâm và 3 tổ liên kết nuôi ong lấy mật. Nghiên cứu tận dụng quỹ đất chưa khai thác và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả để mở rộng diện tích sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cây ăn quả, cây mắc ca, cây cà phê, Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác...

Đến năm 2030, xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh đạt chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2026 - 2030; đời sống của Nhân dân được nâng cao về mọi mặt; bản sắc văn hóa các DTTS được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS từ Chương trình MTQG 1719

Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS từ Chương trình MTQG 1719

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và là ngôi nhà chung của 95% đồng bào DTTS, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), Cao Bằng đã có nhiều điều kiện thuận lợi để cụ thể hóa mục tiêu này.