Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiếp vạn chài

Thanh Hải - 14:49, 22/12/2020

Cha truyền, con nối; đã bao đời rồi, cuộc sống cư dân vạn chài trên sông Lam ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) lênh đênh theo từng con nước. Cuộc đời họ cũng chòng chành như thân phận những con đò, nổi trôi khắp “sơn cùng thủy tận” để rồi khi đã ở bên kia dốc cuộc đời, vẫn chưa thể sắm nổi cho mình một “tấc đất cắm dùi”.

Một góc làng vạn chài ở Thanh Giang
Một góc làng vạn chài ở Thanh Giang

Gà trống nuôi con

Mờ sáng ngày cuối năm, lạnh tê tái. Sương mù dày đặc ken kín mặt sông, khiến cho cái lạnh thêm buốt giá. Nhưng dẫu lạnh tái tê, dẫu mưa hay nắng, chừng hơn 5 giờ sáng, ngư dân Trần Văn Thìn ở xã Thanh Hà (Thanh Chương, Nghệ An) đã phải thức giấc. Và vội bát cơm nguội còn để dở từ tối hôm trước, dặn kĩ đứa con gái hơn 10 tuổi bị tâm thần phân liệt, anh mới sửa soạn để giăng lưới

Công việc mưu sinh nhọc nhằn của hai cha con anh đã kéo dài ngót 7 năm, kể từ ngày người vợ, vì không chịu nổi cái nghèo, đã bước lên bờ rẽ theo hướng khác. Anh Thìn buồn bã: Mình quá nghèo nên thế. Đã 7 năm rồi, cha con bấu víu vào nhau. Bữa nào đánh được nhiều cá thì no cái bụng, còn không đành ăn uống kham khổ qua ngày.

Anh Thìn là con trai cả của ông Trần Văn Mười. Ông Mười cũng đã mất vợ đã hơn 10 năm, nhưng ông ở vậy cùng 2 đứa con trai là Trần Văn Thìn và Trần Văn Ngọ. Oái oăm thay. Nghèo đói, không tấc đất cắm dùi, cuộc sống mưu sinh nổi trôi đã khiến 3 cha con ấy “mồ côi” vợ. 3 cha con ông Mười, 3 người đàn ông cùng 1 đứa trẻ bị tâm thần phân liệt sống quạnh quẽ trên 2 chiếc thuyền rộng chưa đến 10m2.

Thăm chiếc thuyền cũng là nhà của họ, tôi không thốt nên lời. Chẳng có gì đáng giá ngoài mấy bộ áo quần âm ẩm vắt tứ tung và những nồi niêu, chai lọ lổn nhổn trên sàn. Hai chiếc thuyền rộng chưa đến 10m2 là chỗ ở mà bốn con người trong gia đình ông Mười tá túc qua ngày. Ăn, ngủ, sinh hoạt cá nhân xoay trong con thuyền nan chật chội, ngột ngạt. Ông Mười trầm tư: Mình già rồi không sao, chỉ lo 2 đứa con trai và đứa cháu gái làm sao sống hết quãng đời còn lại khi tuổi chúng còn quá trẻ.

Nghèo đến mức vợ bỏ, có lẽ đã là tột cùng của nghèo. Cái nghèo ấy như thể là “truyền kiếp” từ bao đời trước, bám víu lấy họ không dứt rời.

Cả huyện đang có 88 hộ dân vạn chài không có đất ở, đất sản xuất. Nhiều hộ đã mượn tạm đất dựng nhà ven sông sống tạm, nhưng vẫn còn 16 hộ kém may mắn hơn, đang phải lênh đênh nay đây mai đó trên sông nước

Ông Nguyễn Tư HùngPhó phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương

Cùng cảnh “gà trống nuôi con”, ở một khúc sông gần đó, 3 cha con ông Nguyễn Đình Bình xã Thanh Hà cũng đang sống những tháng ngày cơ cực từ nghề chài lưới. Vợ mất 15 năm trước, ông Bình ở vậy, mà “không ở vậy cũng chẳng ai thương, chẳng ai chịu đựng cái khổ để ở cùng mình”, ông Bình thở dài.

Ba cha con ông Bình hết trôi ở khúc sông này lại trôi đến khúc sông khác. Mỗi sáng, ông ghé thuyền vào bờ để hai đứa trẻ đến trường, cuối ngày ông lại đến chỗ cũ đón con về. Năm 2015, bất chấp ngăn cấm của chính quyền, ông Bình đánh liều dựng một ngôi nhà tạm chưa đầy 10m2 chênh vênh mép sông để ở. 

Ông Bình trải lòng: Là để có chỗ cho 2 đứa con theo học. Đời ông, đời cha mình đã khổ vì thất học, đói nghèo luẩn quẩn, cũng phải cho con học tử tế để may ra “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Lắng nghe nỗi niềm từ người đàn ông 52 tuổi ấy, tôi đã bao lần cắn răng ngoảnh mặt, sợ rằng mình sẽ không cầm được lòng, trước hoàn cảnh đáng thương ấy. Người đàn ông không tấc đất cắm dùi đã thui thủi, một mình nuôi con giữa mênh mông sóng nước, chỉ với một ước mơ cháy bỏng-con cái được học hành đàng hoàng sẽ thoát kiếp vạn chài “truyền đời” của cha ông.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, đồng nghiệp đi cùng đã nối máy với lãnh đạo huyện Thanh Chương. Cuộc trao đổi ngắn ngủi với ông Nguyễn Tư Hùng, Phó phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương càng khiến tôi thêm nhói buốt: “Cả huyện Thanh Chương đang có 88 hộ dân vạn chài không có đất ở, đất sản xuất. Nhiều hộ đã mượn tạm đất dựng nhà ven sông sống tạm, nhưng vẫn còn 16 hộ kém may mắn hơn, đang phải lênh đênh nay đây mai đó trên sông nước”.

Luẩn quẩn đến bao đời?!

Cuộc chuyện trò giữa tôi với ông Trần Đình Hải, ngư dân xã Thanh Giang, thỉnh thoảng đứt quãng, bởi tiếng máy nổ phành phạch từ những con thuyền chạy qua. Từng đợt sóng nước dạt ra, khiến con thuyền chúng tôi đang ngồi trở nên chòng chành.

Ngư dân Trần Văn Mười cùng con trai cả Trần Văn Thìn và đứa cháu gái kém may mắn trong con thuyền chật chội
Ngư dân Trần Văn Mười cùng con trai cả Trần Văn Thìn và đứa cháu gái kém may mắn trong con thuyền chật chội

Ngư dân Hải kể rằng, đời ông, đời cha rồi nay đến lượt bản thân ông đều “nối nghiệp” chài lưới. Cuộc mưu sinh trên dòng Lam giang hết ngày này sang tháng khác, hết mùa nắng đến mùa bão lũ… đầy vất vả, nhọc nhằn nhưng chẳng thể khấm khá. Ông Hải buông tiếng thở dài: Mỗi ngày kiếm chưa nổi 100 ngàn đồng. Có ngày về không. Trong khi đó, có bao thứ phải lo từ bữa ăn hàng ngày, thuốc thang khi đau ốm, rồi chuyện con cái học hành… Nhưng khổ nhất là thiếu nước sạch, thiếu nơi tắm giặt hàng ngày…

Không nén được nỗi lòng, vợ ông Hải đang lúi húi giặt giũ ở mạn thuyền cũng góp chuyện: Đàn bà, con gái sống trên sông nước khổ lắm. Từ chuyện tắm giặt đến nguy cơ lây nhiễm bệnh là nỗi khổ thường gặp. Nhưng biết làm sao?

Câu hỏi dở dang ấy tôi biết, bà không dành cho tôi. Nhưng, tôi cũng chẳng biết hỏi ai để có thể giải đáp băn khoăn ấy cho người phụ nữ khốn khổ đó.

Lênh đênh sông nước dường như đã là “nghiệp” của những cư dân vạn chài nơi đây. Bao thế hệ sinh ra, lớn lên trên chính con thuyền nhỏ ấy, trên chính khúc sông ấy, và cũng làm một nghề như vậy – chài lưới để đắp đổi qua ngày. Chẳng ai khấm khá, chẳng ai no đủ; cuộc sống thường ngày đứt đoạn theo từng con nước mưu sinh.

 “Ngày trước dễ đánh bắt hơn, những năm gần đây, do nhiều người dùng xung kích điện nên tôm cá dần cạn kiệt. Cuộc sống ngư dân vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật đủ đường”, ông Nguyễn Đình Quang, xóm Giang Tiên xã Thanh Giang huyện Thanh Chương (Nghệ An) nói thêm.

Non một ngày lê la ở xóm vạn chài, dẫu nhiều người không nói nhưng tôi đã đọc được trong những đôi mắt ấy khát khao cháy bỏng được  lên bờ định cư. Nhưng, từ những thông tin mà tôi có được, thì ước mơ ấy của những ngư dân ven bờ Lam giang huyện Thanh Chương chưa biết đến bao giờ thành hiện thực. Bởi, đã 10 năm thực hiện dự án di dân tái định cư dành cho người dân vạn chài thì vẫn đang còn rất ngổn ngang, mông lung như sóng nước…