Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lênh đênh xóm chài trên núi cao

PV - 11:26, 08/02/2018

Trên những lòng hồ giữa đại ngàn Tây Nguyên, dân tứ xứ quần tụ thành làng, thành bản. Những xóm chài nhỏ bị bao bọc bởi núi rừng trùng điệp, cuộc mưu sinh hiện tại tuy không đến nỗi vất vả nhưng tương lai vẫn là một dấu hỏi đầy trăn trở.

Người dân bán cá ven hồ Nam Ka. Người dân bán cá ven hồ Nam Ka.

 

Thấp thoáng phía sau ngọn núi được phủ một màu xanh, hơn trăm ngôi nhà gỗ ván nhỏ nằm dưới chân dãy núi, hướng ra mặt nước mênh mông hồ Ea Súp Hạ, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp (Đăk Lăk). Buổi chiều gió se lạnh, rừng cây xanh ngắt sừng sững ôm lấy lòng hồ, những chiếc thuyền của ngư dân lững thững trôi, tạo nên khung cảnh thật yên bình.

Anh Nguyễn Văn Hưng làm nghề đánh cá ở đây được gần chục năm trải lòng: Người dân của xóm đến từ tứ xứ, sống bằng nghề đánh cá, mò cua, bắt ốc. Khoảng 3-4 giờ chiều người dân lên thuyền buông lưới, đến khoảng 4-5 giờ sáng hôm sau thì gỡ lưới về bán cho thương lái.

“Sống gắn bó với lòng hồ này, dù việc đánh bắt khi nhiều, khi ít, cuộc sống vẫn vui. Trừ tất cả các chi phí một ngày tôi vẫn còn dư được khoảng 2-3 trăm nghìn đồng. Gắn bó với nghề mình cứ làm thôi, ở Tây Nguyên ít nơi có cá như thế này lắm”, anh Hưng cho hay.

Cũng như anh Hưng, gia đình ông Phùng Văn Thanh (sinh năm 1968, quê Bình Định) vào đây mưu sinh đã hơn chục năm. Vùng đất mới này thời tiết khắc nghiệt, đất cát bạc màu, làm nông nghiệp thì chật vật mới đủ ăn. Hồ Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ có lượng nước lớn quanh năm nên đều có nhiều tôm cá lớn. Người dân quanh hồ đa số làm nghề đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập. Lúc đầu chỉ kiếm vài con cá về cải thiện bữa ăn, nhưng ai ngờ đây là nghề thu nhập chính, mỗi ngày một người kiếm được dăm trăm nghìn đồng.

Tương tự Hồ Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ (huyện Ea Súp), hồ Lăk (huyện Lăk, Đăk Lăk) cũng trở thành điểm đến của người dân tứ xứ. Sống ven hồ, người dân ở những xóm chài dựa vào “lộc” thiên nhiên ban tặng.

Ông Ama Vức, người có thâm niên đánh cá bên hồ Lăk hơn chục năm cho biết: Trước đây cuộc sống của người dân còn vất vả, quanh năm chỉ dựa vào 2 vụ lúa. Hồ nhiều cá, đã trở thành nghề kiếm sống của hơn 200 người dân nơi đây. Trẻ con trong buôn lên 9 lên 10 tuổi đã biết câu cá, thậm chí có đứa giăng lưới thành thục, biết canh con nước để đặt câu, buông lưới.

“Vào mùa mưa, cá theo các nhánh suối đổ về nhiều, có con cả 10 kg. Bình quân mỗi ngày tôi đánh bắt được 4-5 kg cá các loại, chủ yếu là cá nhỏ bán với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg. Bây giờ, cá ít, nhiều người cũng bỏ nghề đánh cá, đi làm thuê các nơi khác”, ông Vức tâm sự.

Cách hồ Lawk không xa, bên con suối Đăk Hil thuộc địa phận xã Nam Ka (huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk), một xóm chài nhỏ cũng đã hình thành gần chục năm nay, nằm trơ mình giữa bốn bề núi đá. Dân xóm chài có khoảng 50 hộ; một số cư dân không mảnh đất cắm dùi, họ đóng thuyền, dựng nhà ngay trên mặt nước.

Bà Phạm Thị Thương, một hộ dân ở xóm chài này cho biết, nhờ đánh bắt cá nên cuộc sống của bà con cũng không đến nỗi vất vả. Nhưng xóm chài như “ốc đảo” giữa núi rừng, chợ cách đây vài chục cây số nên người dân phải mua thức ăn để tích trữ. Cuộc sống của họ dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Lênh đênh trên sông nước khiến nhiều em nhỏ bỏ học nửa chừng, phần vì trường xa, phần vì gia đình khó khăn. Một số gia đình sợ con thất học nên đưa về quê, số khác gửi người quen ngoài huyện.

“Cũng nhờ nghề này mà hàng trăm hộ dân trong làng có cái ăn, cái mặc, nuôi con cái học hành thành tài. Nhưng việc mưu sinh ngày càng khó khăn vì phải phụ thuộc vào thời tiết. Đời vạn chài như sống đời du mục, nay đây mai đó chỉ gắn với sông nước, sống nhờ sông nước, muốn được lên bờ nhưng lên thì không biết làm gì” bà Thương trải lòng.

Đem theo tâm sự của bà Thươg, chúng tôi rời xóm chài khi hoàng hôn buông xuống. Giữa mênh mông đất trời, mùi cá nướng vẫn còn thoang thoảng, đâu đó vẫn đọng lại tiếng thở dài.

ĐỖ QUYÊN