Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiên Giang: Ô nhiễm nặng tại các đập ngăn mặn

Minh Triết - 22:13, 13/04/2020

Là tỉnh giáp biển, Kiên Giang phải xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi kiểm soát nước, ngăn mặn xâm nhập vào các tuyến kênh dân sinh. Tuy nhiên, bên cạnh giúp điều tiết nước vào mùa hạn thì các công trình ngăn mặn đang gây ô nhiễm môi trường, chưa có giải pháp xử lý.

Cống ngăn mặn chợ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang.
Cống ngăn mặn chợ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang

Theo thống kê của Sở Nông và Phát triển nông thôn Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 196 cống và đập ngăn mặn đang hoạt động. Riêng trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, địa bàn Huyện Giang Thành, TP. Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành có 55 cống, đập; vùng U Minh Thượng có 17 cống, đập… để ngăn mặn, giữ ngọt và gần khu dân cư sinh sống.

Các công trình ngăn mặn, giữ ngọt quy mô đầu tư có khác nhau, có thể kiên cố hoặc đắp tạm, nhưng tất cả đều có điểm chung là ngăn dòng nước mặn từ biển lấn sâu vào các tuyến kênh dân sinh, kênh thủy lợi… giảm bớt thiệt hại do nhiễm mặn. Bên cạnh mặt tích cực đó, các công trình này đã và đang bộc lộ những bất cập, nhất là tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước hết là việc ngăn mặn, làm dòng nước bên trong khu vực ngọt không được lưu thông đã phát sinh nạn xâm lấn của cây lục bình. Tại nhiều tuyến kênh trong vùng U Minh Thượng, lục bình giăng kín, trải dài đến mút tầm nhìn. Lục bình dày đặc bao phủ sẽ cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho giao thông đường thủy. Các mảng lục bình khi thối rữa còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước, về lâu dài sẽ tác động đến sức khỏe của con người.

Đặc biệt, các đầu công trình ngăn mặn thường xuất hiện rất nhiều rác, nhất là rác thải nhựa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như sự thiếu ý thức của người dân, sự thiếu sâu sát trong quản lý rác... nhưng quan trọng nhất là gần như thiếu tổ chức trong quản lý công trình.

Ông Lê Văn Út, một tiểu thương bán hàng gần cống ngăn mặn của xã Minh Thuận, Huyện U Minh Thượng, cho biết: “Không phải ai cũng có ý thức bỏ rác vào thùng, họ đứng đâu bỏ đó. Người dân sinh sống cặp theo mé sông, tiện tay cũng bỏ luôn xuống”.

Chị Lê Thị Thu Thủy, người dân sống tại Ấp Minh Kiên, Xã Minh Thuận (Huyện U Minh Thượng), nơi có đập ngăn mặn cho rằng, do đập làm ngăn dòng chảy, rác và lục bình do gió thổi dồn xuống làm các hộ dân khu vực nằm dưới gió bị ảnh hưởng. “Chúng tôi vận động cùng nhau, tập trung vớt rác ngày hôm trước, thì qua một đêm sáng thức dậy rác lại đầy trở lại”, chị Thủy cho biết.

Theo bà Nguyễn Xuân Thu, Chủ tịch UBND Xã Minh Thuận, Huyện U Minh Thượng, tình trạng ô nhiễm kênh rạch tại khu dân cư, gần chợ là đã tồn tại từ lâu. Tình trạng bị rác dồn nhiều như hiện nay là do đóng các đập ngăn mặn, dòng chảy bị ứ và rác dồn nhiều.

“Tại địa phương, chúng tôi cũng có hoạt động của Thanh niên làm sạch môi trường, nhưng hoạt động này không thường xuyên. Chúng tôi cũng kiến nghị Ban Quản lý Dự án của huyện hỗ trợ quản lý công trình. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm chưa được cấp trên quan tâm, hỗ trợ”.