Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hạn mặn, Covid - 19 và GDP

Sỹ Hào - 21:43, 31/03/2020

Khó khăn đã được dự báo trước, song mức tăng trưởng 3,8% của tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý I/2020, cho thấy sự tác động khủng khiếp của dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cần có những biện pháp thiết thực, cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả ngân sách.

Xâm nhập mặn làm thiệt hại nhiều diện tích lúa Đông - Xuân ở ĐBSCL. (Ảnh TL).
Xâm nhập mặn làm thiệt hại nhiều diện tích lúa Đông - Xuân ở ĐBSCL. (Ảnh TL)

Thiệt đơn, thiệt kép

Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 27/3 vừa qua đã phác thảo rõ nét tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2020. Trong “bão” dịch Covid-19, tất cả các lĩnh vực sản xuất đều chịu tổn thất nặng nề. Trong đó, dịch vụ - du lịch, vận tải hàng hóa là những lĩnh vực trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nhất. Theo TCTK, so với cùng kỳ năm 2019, quý I/2020, khách quốc tế đến nước ta giảm 18,1%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 27,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 9,6%; vận tải hành khách giảm 6,1%...

Đại dịch Covid - 19 cũng là tác nhân chính khiến 18,6 nghìn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Cùng với đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I chỉ đạt khoảng 75,4%, là mức thấp nhất 10 năm qua.

Sản xuất nông nghiệp ngoài việc gián tiếp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 thì hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, trên diện rộng đã tác động trực tiếp đến năng suất, sản lượng. Chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện toàn vùng đã kết thúc thu hoạch lúa vụ mùa 2019 - 2020; so với vụ trước, năng suất bình quân lúa mùa năm nay giảm 0,9 tạ/ha, sản lượng giảm 26,6 nghìn tấn.

Sau vụ lúa mùa, vụ Đông - Xuân hiện nay ở khu vực ĐBSCL cũng đang chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn, mặn. Tính đến ngày 20/3, toàn vùng có 33,8 nghìn ha lúa Đông - Xuân bị nhiễm mặn, trong đó diện tích mất trắng là 20,2 nghìn ha.

Cùng với những thiệt hại về kinh tế, trong tháng 3/2020, chuẩn bị vào mùa giáp hạt, cả nước có 5 tỉnh (Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn) phát sinh thiếu đói. Theo thống kê sơ bộ, tại 5 tỉnh này hiện có hơn 8,6 nghìn hộ, với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với tháng 3/2019.

Chính sách

Bức tranh kinh tế không mấy sáng sủ a trong 3 tháng đầu năm, hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh Chính phủ đặt phòng, chống và dập dịch lên ưu tiên hàng đầu, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của Nhân dân. Lạc quan hơn, trong quý I, tăng trưởng GDP vẫn đạt 3,8%, dù là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay, nhưng không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cũng xem là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,8%. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, kết hợp hai yếu tố là dịch Covid-19 và hạn, mặn có thể kéo giảm GDP cả nước 0,7 - 0,9%. Như vậy, GDP năm 2020 chỉ có thể đạt 6,1 - 6,3%.

Trước tình hình như vậy, Chính phủ cần tăng cường các chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành Nông nghiệp, Giao thông, Du lịch; thực hiện chính sách thuế như miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu; trợ cấp việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Chính phủ cần nghiêm khắc quán triệt hơn nữa đến các địa phương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, ngưng xây dựng các công trình mang tính khoa trương. Để bảo đảm ổn định giá cả và lạm phát, không nên nới lỏng chích sách tiền tệ quá mức, nhưng các ngân hàng nên giảm lãi suất và giãn nợ đối với những ngành và những vùng đang gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Cùng với những thiệt hại về kinh tế, trong tháng 3/2020, chuẩn bị vào mùa giáp hạt, cả nước có 5 tỉnh (Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn) phát sinh thiếu đói. Theo thống kê sơ bộ, tại 5 tỉnh này hiện có hơn 8,6 nghìn hộ, với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với tháng 3/2019.