Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng: Gắn bảo tồn với phát triển kinh tế

Lê Hường - 09:24, 15/04/2020

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng, ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) là nơi giữ gìn, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc X’tiêng đến du khách trong và ngoài nước. Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã triển khai đầu tư, hỗ trợ nhiều hạng mục, hoạt động để tạo thu nhập cho đồng bào X’tiêng nơi đây.

Nhiều hiện vật truyền thống của người X’tiêng được trưng bày tại Khu bảo tồn
Nhiều hiện vật truyền thống của người X’tiêng được trưng bày tại Khu bảo tồn

Tỉnh Bình Phước là nơi tập trung đồng bào dân tộc X’tiêng đông nhất cả nước, với những đặc trưng văn hóa riêng, độc đáo. Bao đời nay, đồng bào X’tiêng sinh sống ở phía Nam dãy Trường Sơn đã mang những nét đặc trưng riêng trong văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bằng ngôn ngữ, chữ viết, tái hiện thực tiễn, đồng bào X’tiêng luôn gìn giữ và truyền lại cho con cháu những giá trị văn hóa đặc trưng qua nhiều thế hệ.

Để những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc X’tiêng được lưu giữ, phát huy, tỉnh Bình Phước đã xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng gồm các hạng mục: Đường giao thông nội bộ, khu tái định cư tại chỗ, nhà văn hóa sân lễ hội, nhà đón tiếp... Năm 2015, Khu bảo tồn khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. 

Từ đó đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn luôn nỗ lực tìm kiếm, bổ sung và trưng bày các hiện vật văn hóa của đồng bào X’tiêng như: Các bộ trang sức, kiềng tay, kiềng chân của phụ nữ X’tiêng xưa; cồng, chiêng, tố, ché và một số dụng cụ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào như: Gùi, dao côi, xà gạc, cối giã gạo... Đồng thời, tiến hành bảo tồn các nghề truyền thống của dân tộc X’tiêng như: dệt thổ cẩm, may, đan, lát, rèn, làm rượu cần để tạo sản phẩm du lịch và tạo nguồn thu nhập cho người trực tiếp tham gia. 

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng, Phó Ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng sóc Bom Bo, để thiết thực hóa, tạo sự hấp dẫn đối với du khách, Khu bảo tồn đã đưa 18 hộ dân vào sinh sống ổn định, duy trì làng nghề truyền thống nhằm thể hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào X’tiêng. Các hộ dân mang cây lá nhíp và nhiều loại cây gia vị khác về vườn trồng để chế biến món ăn truyền thống, làm rượu cần cà nút áo, đọt mây, lá ớt... 

Ông Tuấn thông tin thêm, Ban Quản lý Khu bảo tồn cũng đã thành lập Đội Nghệ thuật truyền thống sóc Bom Bo chuyên phục vụ khách tham quan, tham gia các liên hoan văn hóa tỉnh, cấp khu vực và tự trang trải được chi phí hoạt động thông qua các hoạt động trên. Đáng mừng là năm 2019, kỷ lục gia, nghệ nhân Trương Đình Chiểu trao tặng Khu bảo tồn bộ đàn đá 20 tấn kỷ lục Việt Nam với 20 thanh đá. Ban Quản lý khu bảo tồn mời nghệ nhân truyền dạy kỹ năng đánh đàn đá cho nam, nữ thanh niên dân tộc X’tiêng trong Khu bảo tồn. 

“Thời gian tới, Ban Quản lý khu bảo tồn cùng chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống. Từ đó giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho đồng bào; góp phần gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc”, ông Tuấn cho biết.

Nhằm thu hút và tạo ấn tượng đối với khách tham quan khi đến với khu bảo tồn, UBND huyện Bù Đăng đã đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục công trình như: nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà bán hàng lưu niệm, nhà vệ sinh, sân lễ hội, hệ thống mương thoát nước và các tuyến đường nội bộ... với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Hai nhà dài truyền thống đã được bổ sung nhiều hiện vật và khắc phục tình trạng tốc mái, mối mọt.