Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Già làng Điểu Nắng với văn hóa X’tiêng

PV - 14:15, 28/12/2018

Ở xã biên giới Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) hầu như ai cũng biết đến già làng Điểu Nắng. Năm nay, già làng Điểu Nắng đã gần 90 tuổi nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông là biểu tượng tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc X’tiêng nơi đây. Cả cuộc đời ông đã dành bao tâm huyết cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Già làng Điểu Nắng Già làng Điểu Nắng (đứng thứ hai, từ trái sang) hướng dẫn bộ đội biên phòng và người dân cách đánh chiêng.

Già Điểu Nắng thường bảo, để gìn giữ bản sắc dân tộc mình phải vận động đồng bào cùng thực hiện, một mình làm không được đâu. Văn hóa cồng chiêng có từ xưa tới giờ, mình biết được chỗ nào thì chỉ chỗ đó. Nói là làm, già làng Điểu Nắng đã tập hợp lớp thanh niên trong sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi để truyền dạy những bài hát kể tâm pớt, pơn rao, hát đối đáp, hát ru, đồng dao, hát giao duyên… ca ngợi về núi rừng, sông suối, về nguồn gốc tổ tiên người X’tiêng, về sự tích lễ bà bóng, lễ hội lên nhà lúa, lễ hội cầu mưa, hát kể trường ca, sử thi, múa hát… Ngoài ra, già làng Điểu Nắng còn dạy cho con cháu nghề đan lát, dệt thổ cẩm hay cách chế biến rượu cần… nhằm định hướng giáo dục, chuyển tải kho tàng tri thức, triết lý về cội nguồn dân tộc, quê hương đất nước…

Nhờ sự say mê và gìn giữ văn hóa dân tộc của già làng Điểu Nắng mà đến nay, ở sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi đã có đội cồng chiêng mạnh nhất huyện Lộc Ninh. Vào những dịp lễ, Tết, những dịp liên hoan văn hóa do tỉnh, huyện tổ chức, đều có sự tham gia của đội cồng chiêng sóc Ông Nắng. “Già vận động con cháu thành lập câu lạc bộ văn nghệ để dạy chúng biết đánh cồng chiêng, kể chuyện sử thi, dệt áo, đan gùi lên rẫy. Bởi đó là phần hồn của dân tộc và là báu vật của cha ông để lại. Ban đầu bọn trẻ nghe vui tai mà tìm đến, được người lớn dạy lại các động tác đánh cồng chiêng, múa, hát rồi gắn bó với câu lạc bộ tới giờ”, già Điểu Nắng chia sẻ.

Già làng Điểu Nắng Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng già làng Điểu Nắng vẫn minh mẫn và khỏe mạnh, tích cực khuyên dạy con cháu…

Tuy tuổi đã cao nhưng già làng Điểu Nắng vẫn đến từng nhà vận động, họp sóc tuyên truyền để bà con thấy lợi ích của việc cho con đi học chữ, học kiến thức nhằm nâng cao dân trí, giúp cho việc tiếp thu những kinh nghiệm sản xuất mới để xóa đói giảm nghèo, vận động bà con không để con em mình bỏ học lên rẫy…

Già làng còn cùng với chính quyền địa phương vận động bà con trong buôn, sóc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới; xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, cùng nhau xây dựng buôn, sóc văn hóa. Không nghe lời kẻ xấu, cảnh giác với những thủ đoạn của kẻ xấu làm mất đoàn kết trong và ngoài buôn sóc… không đốt rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy…

Hiện nay, ngôi nhà sàn truyền thống của già làng Điểu Nắng như một bảo tàng thu nhỏ, với những vật dụng bình dị gắn liền với cuộc sống sinh hoạt như tố, ché, xà lung, nỏ, mũi tên, ống đựng tên, khung quay sợi… và đặc biệt là những bộ cồng, chiêng cổ.

BẰNG GIANG