Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Khơi thông dòng chảy" xuất khẩu nông sản trong mùa dịch

Thúy Hồng - 18:28, 29/09/2021

Dịch bệnh Covid-19 như "cú đấm bồi" cho thực trạng nông sản nước ta vốn luôn phải loay hoay tìm đầu ra. Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc tìm các giải pháp tháo gỡ, nhưng việc xuất khẩu nông sản vẫn đang đối mặt với khó đủ đường, khiến cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Hàng trăm nghìn tấn thanh long bị ùn ứ do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu
Hàng trăm nghìn tấn thanh long bị ùn ứ do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu

Nông sản tồn đọng, xuất khẩu sụt giảm

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư vào đúng thời điểm nhiều mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch, với sản lượng lớn, đã xảy ra tình trạng ùn ứ do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Toàn tỉnh Lai Châu có trên 4.128ha chuối, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng. Nếu như trước đây, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Phong Thổ có thu nhập khá từ việc trồng chuối và có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ trồng chuối. Thì  từ tháng 7/2021 tại cửa khẩu Ma Lù Thàng, do doanh nghiệp phía Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu chuối và các sản phẩm nông sản khác, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Văn Khôi, Công ty XNK Mai Hưng, huyện Phong Thổ cho biết: Do dịch bệnh phải tạm dừng xuất khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, các doanh nghiệp phải bán cho thương nhân xuất khẩu tại tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, với chi phí đội cao, nên các đơn vị cũng thu mua với số lượng hạn chế.

Không có người thu mua, giá cả thấp, người nông dân cũng bỏ mặc cả vườn chuối không thu hoạch. Anh Vàng Văn Phú, bản Bản Lang 2, xã Bản Lang buồn rầu nói: "Gia đình tôi trồng hơn 1ha chuối, mọi năm bán được giá ổn định, nhưng năm nay không bán được vì không có ai mua, nên để chín cho lợn ăn. Do đó cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn".

Gần nhất là tình trạng hàng nghìn tấn thanh long của Việt Nam bị ùn tại các cửa khẩu phía Bắc, do phía Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu thanh long, vì phát hiện trên bao bì bọc trái và thùng các tông đựng hàng có virus SARS-CoV-2.

Ông Đoàn Trung Ngọc, chủ vựa thu mua, đóng gói thanh long xuất khẩu tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết: Do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc vừa tạm ngưng nhập mặt hàng này, khiến đầu ra cho trái thanh long càng khó. Vài tháng trở lại đây, giá thanh long luôn ở mức thấp, có thời điểm giá bán như cho, nhưng vẫn khó tìm được thương lái thu mua, vì hầu như không đóng hàng xuất khẩu được.

Đây cũng là nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay, nhiều loại cây ăn trái với diện tích trồng lớn, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu như: Chuối, mít, thanh long, xoài… đều rơi vào cảnh khó khăn về đầu ra, khi vào vụ thu hoạch xuất khẩu bị đình trệ bởi dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản đi các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Mỹ, EU, châu Phi… đều đang gặp nhiều rào cản như dịch bệnh, khiến các nước giảm nhập khẩu, tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải. Riêng thị trường Trung Quốc, từ tháng 4 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả mỗi tháng giảm trung bình đến 15%.

Về lâu dài cần tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi, linh hoạt xử lý trong mọi tình huống
Về lâu dài cần tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi, linh hoạt xử lý trong mọi tình huống

Cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của nhiều mặt hàng rau, trái cây. Nhưng nhiều loại nông sản chủ lực, có lợi thế vẫn chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch, mở cửa thị trường về kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, manh mún, thông qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới”, với nhiều rủi ro.

Trước tình trạng các mặt hàng nông sản của Việt Nam bị tạm dừng nhập khẩu các bộ, ngành, địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc mở lại các cửa khẩu. Nhưng những sự việc tương tự như vậy, còn tiếp tục xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam, cũng như bản thân các doanh nghiệp.

Nhìn từ mặt hàng thanh long, dù Trung Quốc có thông báo một số lô hàng phát hiện virus SARS-CoV-2 phải tạm dừng nhập khẩu ở một số cửa khẩu, trong một thời điểm nhất định. Nhưng theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, nguyên nhân sâu xa hơn và cũng không loại trừ đây là hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ hàng nội địa, tiêu thụ thanh long cho nông dân Trung Quốc.

Ông Nguyên cho rằng, để tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông sản, ngoài tìm cách mở các thị trường mới cho trái cây này, đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải tính toán và cơ cấu lại diện tích trồng thanh long, để tránh đụng độ, hoặc phải cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa của nước bạn. 

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào các chợ, buôn bán không hợp đồng nên các quy ước quốc tế không có hiệu quả. Nếu doanh nghiệp Việt vẫn chậm chuyển sang xuất khẩu kênh chính ngạch,thì tình trạng ách tắc, ùn ứ nông sản vẫn tiếp tục xảy ra. Bởi, một thực tế đang diễn ra, đó là trong khi doanh nghiệp Thái Lan mượn cửa khẩu Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc rất nhiều, rất thuận lợi theo đường chính ngạch. 

Để tháo gỡ những khó khăn này, ngày 21/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nội dung chỉ thị yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công tác đàm phán, quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử…

Hy vọng với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành chức năng và các địa phương bằng những giải pháp cụ thể, trách nhiệm đối với nông dân... sẽ từng bước tháo gỡ khó trong tiêu thụ nông sản cho nông dân như hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi, linh hoạt xử lý trong mọi tình huống.