Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Khoen tạy” - Sức mạnh dòng họ của người Thái

Thành Trung - Hoàng Giang - 22:13, 15/06/2023

Trong nhịp sống hiện đại, đồng bào dân tộc Thái huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn bảo tồn được nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc. Trong đó không gian “Khoen tạy” vẫn được lưu giữ trong những ngôi nhà của trưởng các dòng họ. Đây là một mỹ tục nhằm quản lý các đầu đinh của dòng họ, tạo sự đoàn kết thống nhất phát triển dòng họ vững mạnh.

Ông Thùng Văn Sin, Trưởng dòng họ Thùng bên không gian tâm linh của dòng họ mình.
Ông Thùng Văn Sin, Trưởng dòng họ Thùng bên không gian tâm linh của dòng họ mình

Theo tiếng Thái, “khoen” nghĩa là treo, “tạy” là túi. Nghĩa là các túi treo trong nhà. Trong túi đựng hồn của con người. Mỗi người trong dòng họ khi sinh ra đều phải có túi này, làm vào ngày ra cữ đặt tên, đem treo tại nhà trưởng họ.

“Khoen tạy” không quy định thời gian cụ thể để thực hiện. Cứ có nhiều bé trai sinh ra, chọn được ngày đẹp theo lịch của người Thái, nhiều nhà sẽ rủ nhau đến nhà trưởng họ để làm “lý” (thủ tục) này, nhập tên của đứa trẻ thêm vào hộ gia đình. Khi làm “lý”, mỗi đầu đinh là một con gà, làm thịt cúng tổ tiên để xin phép nhập họ.

Tại nhà sàn người trưởng họ, gian để thờ cúng gọi là “hoóng”, phía trên xà vượt chính là không gian để treo các chùm “hộ khẩu”. Mỗi hộ gia đình tương ứng với 1 chùm,  mỗi chùm bao gồm: 1 chiếc quạt nan tre, 1 chiếc cung, 1 túi vải, 1 chiếc giỏ nhỏ gọi là “ko pó”.

Ông Tao Văn Bun, Trưởng dòng họ Tao ở bản Cấu, xã Chà Nưa lý giải: Những vật phẩm treo cùng các chùm hộ khẩu của mỗi gia đình tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục những người con trai của dòng họ trưởng thành. Xuất phát từ nếp sống sinh hoạt hằng ngày, người Thái thường ăn xôi nếp quanh năm. Khi đồ xôi xong, để xôi khô, dẻo thì người phụ nữ thường lấy quạt nan để quạt xôi cho nguội rồi mới cất vào coóng. Bởi vậy, chiếc quạt nan tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Chiếc cung tượng trưng cho ý chí kiên cường của người đàn ông dân tộc Thái, thể hiện ý chí sẵn sàng bảo vệ cộng đồng, làng bản khỏi những điều xấu. Còn chiếc túi vải đựng một ít tiền và thẻ gỗ khắc tên của nam đinh trong nhà. “Ko pó” là một chiếc giỏ nhỏ có hình như chuôi dao được đan bằng tre, nứa dùng để đựng xôi, gà... khi làm “lý” thay đổi nhân khẩu nam đinh trong nhà.

Tại địa bàn huyện Nậm Pồ có các dòng họ lớn gồm: Họ Thùng có 270 hộ, trên 1.300 nhân khẩu, do ông Thùng Văn Sin (bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa) làm Trưởng họ; Họ Lèng gồm 171 hộ, trên 900 nhân khẩu, do ông Lèng Văn Đeng (bản Cấu, xã Chà Nưa) làm Trưởng họ; Họ Tao với 160 hộ, trên 700 nhân khẩu, do ông Tao Văn Bun (bản Cấu) làm Trưởng họ; Họ Khoàng với hơn 100 hộ, trên 700 nhân khẩu do ông Khoàng Văn Pính (bản Hô Bai, xã Chà Nưa) làm Trưởng họ. Những dòng họ lớn này sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã: Chà Nưa; Chà Cang; Chà Tở; Nậm Khăn; Pa Tần; Nà Hỳ...

Hiện nay, các vị trưởng họ của những dòng họ lớn này đều lưu giữ không gian “Khoen tạy” trong nhà. “Khoen tạy” không chỉ giúp trưởng họ quản lý các đầu đinh mà còn thể hiện sự phát triển lớn mạnh của mỗi dòng họ. Thông qua phong tục đẹp này nhằm giáo dục con cháu vươn lên, đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, phát triển dòng họ giàu mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.