Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi sản phẩm của đồng bào lên sàn giao dịch điện tử

Hồng Phúc - 10:25, 16/09/2020

Khi sản xuất nông nghiệp theo hướng, hàng hoá phát triển thì bài toán tìm đầu ra ổn định là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của sản phẩm ấy. Thời gian gần đây, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang giúp doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tại các vùng DTTS nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Việc nâng cao chất lượng và ứng dụng Internet đã giúp tăng doanh thu cho HTX Dược liệu Bảo Châu .
Việc nâng cao chất lượng và ứng dụng Internet đã giúp tăng doanh thu cho HTX Dược liệu Bảo Châu .

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) là hình thức kinh doanh tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp sản phẩm có thể phủ khắp thị trường cả nước, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn. Sàn TMĐT giúp khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông và nguồn lực doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Chị Ma Thị Miên, Phó Giám đốc HTX Dược liệu Bảo Châu có 25 thành viên đều là người dân tộc Tày và Dao, được tham gia Dự án “Hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0” do Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn phối hợp với cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện vào năm 2019.

Sau khi được hướng dẫn, chị đã áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong kinh doanh như: Tham gia mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá giới thiệu sản phẩm, được hướng dẫn cách viết nội dung quảng cáo sao cho hay, hấp dẫn người tiêu dùng, thị hiếu khách hàng. Đồng thời, các sản phẩm: Trà, cao gai leo, giảo cổ lam,… của Dược liệu Bảo Châu lên sàn thương mại điện tử Sendo, Shoppe, Voso.vn… sản phẩm bán ra của HTX tăng 60% và doanh thu tăng 40%.

Chị Ma Thị Miên cho biết, nhờ áp dụng CNTT mà sản phẩm của HTX đã đến được với nhiều người dân ở các tỉnh xa như Đà Nẵng, Hải Dương, Thái Nguyên…; HTX còn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp lớn như Thái Dương, ĐK Pharma. Nhờ doanh số bán hàng tăng nên thu nhập của 25 thành viên HTX Dược liệu Bảo Châu cũng tăng, ở mức 4 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, cũng thông qua Dự án này, 2.636 người đã tham gia và hưởng lợi trong chuỗi cung ứng sản phẩm thông qua các HTX, tổ, nhóm sản xuất ở 2 tỉnh Bắc Kạn và Đăk Nông.

Thực tế cũng đã chứng minh, hiện nay người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm để mua các sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS như: Gạo Séng Cù, miến dong, chẩm chéo... của nhiều địa phương trên các nền tảng thương mại điện tử như: Shoppe, Lazada, Tiki.

Thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thông tin của Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh nghiệp thương mại điện tử trong giai đoạn cao điểm của đại dịch từ tháng 2 đến tháng 4/2020 là 14% so với cùng kỳ năm 2019. Bởi vậy, có thể thấy việc doanh nghiệp, cá nhân bắt kịp với xu hướng TMĐT, cập nhật cách thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh Online là việc đúng đắn để không bị bỏ lại phía sau.

Sự tham gia vào cuộc trong ứng dụng công nghệ 4.0, có thể làm thay da đổi thịt cho vùng đất có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, cây trồng dược liệu, nông sản; đồng thời làm thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh của người dân vùng cao.

Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen khẳng định, việc ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, điện thoại thông minh và Internet, tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự bắt kịp xu hướng mới sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Nguồn lực sản xuất tại các tỉnh vùng cao là rất tiềm năng, nhưng khó nhất với đồng bào DTTS là đầu ra sản phẩm. Việc đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định cần phải khắc phục như: Cải thiện những hạn chế hệ thống hạ tầng ở các địa phương để bảo đảm đồng bào có thể ứng dụng, tiếp cận các phần mềm CNTT. Đặc biệt là đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ của cán bộ cơ sở để hỗ trợ người nghèo ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất kinh doanh.