Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi nhà máy về làng

Thanh Nguyễn - 12:05, 23/03/2021

Nhiều nhà máy may mặc xuất khẩu mọc lên ở các làng quê miền Trung, đã “níu” bao người lao động ở lại quê nhà . Và rồi, họ đã thành công nhân ăn cơm nhà, làm việc ở làng… Miền Trung đã bớt đi những lao động phải li nông li hương, biền biệt mưu sinh nơi đất khách.

Lãnh đạo huyện Diễn Châu (Nghệ An) thăm dây chuyền may tại Nhà máy may Wooin Vina
Lãnh đạo huyện Diễn Châu (Nghệ An) thăm dây chuyền may tại Nhà máy may Wooin Vina

Ly nông...

Chị Nguyễn Thị Xuyên ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có mấy sào ruộng khoán. Ngoài thời gian rảnh rỗi, chị làm thêm nhiều nghề phụ nhưng chẳng ăn thua. Thấy nhiều nhà máy may về mở xưởng ngay ở làng quê, chị mạnh dạn học nghề rồi nộp đơn xin việc tại Công ty may An Hưng đóng chân tại xã Công Thành, huyện Yên Thành. 

Chị Xuyên tâm sự: Làm nghề nông vất vả, một mùa lúa may lắm thu nhập cũng bằng hơn tháng lương thôi. Mình đi làm công nhân sẽ đỡ khổ hơn, thu nhập cao hơn, có điều kiện để nuôi dạy con cái. Quan trọng là, sáng mình đi làm, tối lại về nhà ngủ, bao cái tiện lợi.

Từ khi làm công nhân may, có đồng lương ổn định lại làm việc gần nhà nên rất yên tâm.

Chị Nguyễn Thị VânCông nhân Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)

Trường hợp như chị Xuyên ở các làng quê miền Trung hiện nay không hiếm. Mới hôm qua thôi, họ còn là những nông dân chân lấm tay bùn… nay bỗng chốc thành công nhân ăn cơm nhà, làm việc tại làng.

Nhiều vùng quê ở miền Trung từng là vùng đất thuần nông, nay tấp nập công xưởng. Thật vui khi gần đây, nhiều nhà máy về làng dựng xưởng, tuyển người. Không ai bỏ ruộng vườn, họ chỉ thực sự là nông dân sau khi hết ca từ nhà máy trở về. Sáng sáng trong dòng người tấp nập, những chuyến xe chở công nhân từ các điểm đón, trả lại hối hả đến nhà máy mang theo bao hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của những “hai lúa nửa mùa”.

Bà Phan Thị Thanh Giang – Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết: Công ty hiện có hơn 1.000 lao động địa phương đang làm việc. Nhiều lao động từng là người đã làm việc có thâm niên ở các vùng miền khác. Chúng tôi đang có kế hoạch nâng công suất và sẽ tuyển thêm 1.500 lao động. Khi ấy sẽ thu hút được nhiều lao động đang làm ăn xa về làm việc tại quê nhà.

Công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu MTV (cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh)
Công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu MTV (cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh)

Về làng quê ở các tỉnh miền Trung hôm nay, bóng dáng những chiếc áo công nhân đồng phục, những con đường tấp nập khi tan ca… khiến mọi người cứ ngỡ mình đang lạc vào một KCN nào đó ở phương Nam xa xôi. Nhìn từ một số huyện có nhiều nhà máy may và cơ sở may mặc sẽ thấy rõ điều đó. 

Ngay như huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang có khoảng 5.500 lao động địa phương làm việc tại các nhà máy may. Trong tương lai sẽ có thêm hơn 3.000 lao động có việc làm khi 2 nhà máy may mới đi vào hoạt động; huyện Đô Lương (Nghệ An) đang có khoảng hơn 10.000 lao động địa phương làm việc tại 2 nhà máy may và 2 cơ sở may…

Bất li hương

Nhiều công nhân làm việc tại làng hôm nay, đã từng là công nhân tại các tỉnh phía Nam. Cứ sau tết, họ lũ lượt kéo nhau rời nhà, biền biệt hàng năm trời; bỏ lại làng quê quạnh vắng với những người già và con trẻ. Bỏ lại những mái nhà thiếu vắng người cha, người mẹ; phó mặc những đứa trẻ cho ông bà nuôi dạy… chỉ vì mưu sinh. Nay nhà máy về làng, họ như mở cờ trong bụng.

Chị Đoàn Thị Mỹ Linh, ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) trải lòng: 5 năm làm công nhân ở KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhưng không đủ tiền về ăn tết. Cuộc sống đô thị đắt đỏ, bao thứ phải chi nên hai vợ chồng làm thêm cật lực, mỗi tháng cũng chỉ chừng 10 triệu đồng. Gia đình 5 miệng ăn nên tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.

Qua thông tin, Linh biết ở quê có Công ty TNHH S&D đóng tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh tuyển công nhân may. Không đắn đo, vợ chồng Linh nộp đơn xin vào làm. 

Linh hồ hởi: Họ nhận ngay, được làm gần nhà nên rất tiện. Vậy là thoát kiếp ở trọ, thoát cảnh tất bật về quê rồi vội vã bắt xe vào miền Nam sau kì nghỉ tết. Dù thu nhập có ít hơn một tí nhưng bù lại được làm gần nhà, gần cha mẹ là điều sung sướng nhất.

Nhiều công ty may ở Nghệ An đã tổ chức xe đưa đón công nhân.
Nhiều công ty may ở Nghệ An đã tổ chức xe đưa đón công nhân.

Lâu nay, thực tế khó khăn nhất đối với các địa phương là giải quyết tình trạng “Ly nông nhưng không ly hương”. Chính vì vậy, chủ trương ưu tiên chọn đầu tư các dự án may mặc xuất khẩu để góp phần thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm cho lao động, kéo giảm tình trạng ly nông dẫn đến ly hương rất được các địa phương miền Trung quan tâm. 

Bà Nguyễn Thị Anh Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) thông tin: Hàng ngàn lao động có việc làm đã góp phần tạo sự ổn định về mọi mặt ở các làng quê. Huyện đang rất tạo điều kiện về mọi mặt để thu hút thêm nhiều công ty, doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn; trong đó có việc nỗ lực GPMB tạo quỹ đất sạch.

Theo một khảo sát sơ bộ, tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đang có hàng chục nhà máy may mặc, cơ sở may mặc đang hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn lao động địa phương. Việc các nhà máy may mặc về dựng xưởng, tuyển người tại các làng quê,  không chỉ góp phần giải quyết tình trạng lao động dôi dư các ở địa phương mà còn giải quyết tốt nhiều vấn đề xã hội khác.