Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vàng đen và những phận đời không đỏ: Công nhân nhiễm bệnh, do đâu? (Bài 2)

Nhóm PVĐT - 00:21, 22/03/2021

Báo Dân tộc và Phát triển điện tử ngày 7/1/2021 đăng tải bài viết: “Vàng đen và những phận đời không đỏ: Hàng loạt công nhân nhiễm bệnh”. Sau khi báo đăng, có rất nhiều bạn đọc đã chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội và bình luận đa chiều. Đặc biệt, có nhiều độc giả cho biết, hiện tại, công nhân khai thác mỏ không chỉ bị bệnh da liễu, bụi phổi mà còn bị rất nhiều các bệnh nghề nghiệp khác như viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc cadimi, nhiễm độc cacbonmonoxit…

Buổi làm việc giữa phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển với đại diện Công ty Than Hạ Long
Buổi làm việc giữa phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển với đại diện Công ty Than Hạ Long

Ba tháng được cấp một chiếc khẩu trang? 

Khai thác mỏ được xếp loại là nghề lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều kiện môi trường lao động khắc nghiệt, người lao động phải làm việc dưới hầm sâu, tối tăm; thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh nghề nghiệp, vì thế việc tuyển dụng công nhân khai thác mỏ đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Nhật Thắng, Phó Giám đốc phụ trách công tác an toàn, Công ty Than Thống Nhất cho biết: Hiện nay, ở khu vực đồng bằng, vùng nông thôn đã có nhiều khu công nghiệp mở ra, thu hút lượng lực lao động khá nhiều, vì vậy Công ty phải mở rộng địa bàn tuyển lao động, tập trung ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Theo tài liệu Ban Truyền thông Tập đoàn TKV cung cấp cho phóng viên Báo dân tộc và Phát triển, trong số 49.846 công nhân kỹ thuật đang làm việc tại các đơn vị sản xuất hầm lò thuộc TKV, có 7.360 công nhân kỹ thuật là người dân tộc thiểu số ( chiếm 15%). Với tỷ lệ này cho thấy, công nhân vùng dân tộc thiểu số, miền núi là nguồn nhân lực quan trọng, góp phần cho sự ổn định phát triển của TKV. 

Qua tìm hiểu của phóng viên, để tham gia lao động sản xuất, đặc biệt là những công nhân làm việc trong hầm lò phải được các đơn vị khai thác than của TKV, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cá nhân theo quy định tại Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ LĐTBXH.

Trên thực tế, trong buổi làm việc ngày 6/11/2020, tại Công ty Than Hạ Long, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có phỏng vấn anh H. V.N, người dân tộc Tày, hiện là thợ bậc 4, làm việc ở công đoạn khai thác ở độ sâu -200m, là công nhân của Công ty Than Hạ Long. Anh H. V.N cho biết: Bảo hộ lao động anh được trang bị bao gồm: quần áo, mũ, ủng, khẩu trang có màng lọc bụi than. Riêng khẩu trang thì 3 tháng mới được phát 1 lần. Do đó các anh  phải tự bảo quản. Nếu muốn vệ sinh, thì đợi khô, sau đó đập bụi than ra và dùng bơm hơi xịt cho hết bụi  rồi mới giặt phơi khô. Tất cả các thao tác này đều do cá nhân tự làm.

“Vì 3 tháng được phát 1 cái khẩu trang nên nếu vệ sinh mà chưa kịp khô, anh em công nhân phải tự mua ở ngoài. Khẩu trang bên ngoài có 2 loại lót, là lót tròn và lót vuông. Giá lót vuông là 50 nghìn đồng, còn lót tròn từ 12-13 nghìn đồng. Đối với loại khẩu trang này chỉ bớt được 1 phần bụi, chứ không thể kháng bụi hoàn toàn, bởi chúng tôi chỉ dùng khoảng 2 đến 3 ngày là thấy cổ họng khó chịu, nước bọt thì có bụi than”, anh H. V.N khẳng định.

Tương tự anh Vàng A.V, dân tộc Mông, cũng là công nhân khai thác của Công ty Than Hạ Long chia sẻ, khi anh vào công ty, xuống hầm lò làm 3 tháng mới được phát khẩu trang phòng độc?...

Khi chúng tôi trao đổi với ông Trần Hoàng Dương, Trưởng phòng tổ chức lao động Công ty Than Hạ Long về vấn đề trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, ông Dương lại thông tin là khẩu trang cấp phát không định lượng. Ông Dương cho hay, khẩu trang là để kháng bụi, chứ không kháng độc. Ông Dương khẳng định: “Theo nghiên cứu, bụi than không độc, trong ngành khoáng sản, người ta sợ nhất là bụi silic”!?

Dầu thối cũng phải dùng!


Ông Hoàng Nhật Thắng, Phó Giám đốc phụ trách công tác an toàn, Công ty Than Thống Nhất khẳng định: “Dầu nhũ hóa có mùi thối là do quá trình nó bơm vào trong cột thì thông thường có hệ thống tuần hoàn. Nó tuần hoàn về trạm bơm và kiểu gì thì nó cũng sẽ có những chỗ hở, nó rò rỉ ra môi trường. Và vì lâu ngày nên nó có mùi thối”.
Ông Hoàng Nhật Thắng, Phó Giám đốc phụ trách công tác an toàn, Công ty Than Thống Nhất khẳng định: “Dầu nhũ hóa có mùi thối là do quá trình nó bơm vào trong cột thì thông thường có hệ thống tuần hoàn. Nó tuần hoàn về trạm bơm và kiểu gì thì nó cũng sẽ có những chỗ hở, nó rò rỉ ra môi trường. Và vì lâu ngày nên nó có mùi thối”.

“Tôi không biết loại dầu nhũ hóa này tên là gì mà chỉ biết đây là loại dầu của tập đoàn. Loại dầu này dùng để đổ vào các cột chống thủy lực. Nhất là những cột chống thủy lực đơn, sau khi đổ vào khoảng 2 đến 3 ngày dầu bốc mùi thối, khoảng 1 tuần sau thay dầu thì mùi thối khủng khiếp, thối như mùi rác thải". Anh V.H.N công nhân của Công ty than Mông Dương , là một trong nhiều công nhân bị ngứa, lở loét ( như Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển đã phản ánh ngày 7/1/2021) chia sẻ với chúng tôi.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã tìm hiểu, trao đổi với một số cán bộ, công nhân thì được biết, hiện tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đang chỉ đạo các công ty than dùng loại vật tư dầu nhờn COMINLUB. Ngày 29/5/2020, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam  còn ký Văn bản số: 2561/TKV-KH, gửi các công ty con, các đơn vị trực thuộc TKV, về việc: tăng cường sử dụng sản phẩm dầu nhờn COMINLUB do Công ty CP Vật tư – TKV sản xuất…

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, phóng viên cũng đã nhận được nhiều ký kiến phản ánh cho rằng, về việc gây ra lở loét, ngứa ngáy của công nhân có thể là công nhân bị dị ứng  với loại dầu nhũ hoá không đạt chất lượng này? Tuy nhiên, ông Trần Minh Nghĩa, cán bộ Ban Truyền thông Tập đoàn TKV thông tin tới phóng viên vào ngày 31/12/2020 qua hộp thư Gmail rằng: Sản phẩm dầu nhờn COMINLUB một số đơn vị trong Tập đoàn sử dụng, đều là các dòng sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vì sức khoẻ cộng đồng, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận.

Để giải đáp mối nghi ngờ, chúng tôi đã nghiên cứu tư liệu liên quan và tìm hiểu thông tin từ một số chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực dầu nhớt, được biết. Dầu nhũ hóa là dầu có gốc thực vật, được pha với nước theo tỷ lệ % thông thường theo tỷ lệ 2- 5% dầu pha với 95% - 98% nước (tùy theo khuyến cáo của thiết bị).

Yêu cầu đối với dầu nhũ hóa là sau khi pha với nước: Nhũ hóa hoàn toàn (không bị tách lớp, tạo váng); Bôi trơn tốt; Không bị tụt áp; Không có mùi hôi thối; Không rỉ sét; Không ăn mòn; Không tạo bọt; tương thích với vật liệu đàn hồi (Gioăng phớt thiết bị); Thân thiện với môi trường.

Như vậy, trong yêu cầu đối với dầu nhũ hóa sau khi pha với nước phải không có mùi hôi thối và thân thiện với môi trường…! Thế nhưng đối với loại dầu nhờn COMINLUB mà Tập đoàn TKV đang chỉ đạo các công ty than sử dụng, theo phản ánh của nhiều công nhân và ngay cả cán bộ lãnh đạo của một số công ty than đều thừa nhận, dầu nhũ hóa có mùi thối và có nhiều công nhân bị dị ứng với loại dầu này?

Theo số liệu mà chúng tôi đã thu thập được, chỉ tính riêng công ty Cổ phần than Mông Dương đã có tới 72 trường hợp mắc bệnh bụi phổi; khoảng trên 10 trường hợp phải chuyển việc sang vị trí làm việc khác do bị dị ứng do dịch dầu nhũ hóa... đang đặt ra nhiều nghi ngờ về chất lượng dầu nhũ hoá; về công tác an toàn trong bảo hộ lao động đối với người lao động đang làm việc trực tiếp trong các hầm lò tại các công ty khai thác than thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam-KTV.

Ngoài những vấn đề nêu trên, qua quá trình tìm hiểu hoạt động của các công ty thuộc Tập đoàn KTV. phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển còn nhận thấy nhiều vấn đề bấp cập khác, liên quan đến sức khoẻ, an toàn của lao động; vấn đề đào tạo nghề cho công nhân, trong đó có nhiều công nhân là người DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp, số vụ tai nạn lao động dẫn đến bị tử vong ở các công ty khai thác than trong 3 năm gần đây là: năm 2018 là 17 vụ; năm 2019 là 13 vụ, năm 2020 là 17 vụ. Mới đây là ngày 9/3/2021, tại Công ty than Hạ Long-TKV đã xảy ra vụ tai nạn khiến anh Trịnh Văn Quyết (sn 1995), quê xã Nga Nhân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, công nhân cơ điện lò bậc 2/5 tử vong.